Lý do thực sự nước Mỹ không thể chi tiền làm ‘cảnh sát toàn cầu’

Nước Mỹ từng thấy mình đủ giàu mạnh để chu cấp toàn bộ các chi phí tài chính cho những hoạt động "cảnh sát toàn cầu", nhưng thời kỳ đó đã qua.

Washington đang rơi vào khó khăn tài chính với những gánh nợ khổng lồ. Tương lai tài chính sẽ còn khó khăn hơn khi thế hệ Baby Boomer (làn sóng trẻ em sinh ra sau Thế chiến 2) tiếp tục nghỉ hưu. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân thăm căn cứ Mỹ tại Iraq vào đúng ngày Giáng sinh, 25/12. Ảnh: AP

Cuộc chiến ngân sách hàng năm đã lên tới đỉnh điểm, khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, kéo dài sang năm mới 2019, do phe Dân chủ không chấp nhận chi tiền cho bức tường biên giới của Tổng thống Trump. Có thể thấy những khó khăn tài chính đã ảnh hưởng tới nhiều chương trình nội địa hơn, và trong những năm tới, nhiều khả năng sẽ thay đổi chính sách quân sự và ngoại giao của Mỹ.

'Nước Mỹ không còn là kẻ khờ'

"Chúng ta không còn là những kẻ khờ nữa, các bạn", Tổng thống Trump tuyên bố trước khoảng 100 lính Mỹ tại căn cứ Al-Assad, Iraq, khi ông có chuyến thăm bất ngờ tới đây vào đúng ngày Giáng sinh. Ông Trump khẳng định các nước khác từ nay trở đi đừng hòng mong chờ Mỹ chiến đấu thay cho mình, trừ phi họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó.

Những lời giải thích của Tổng thống Mỹ về quyết định rút quân khỏi Syria mới đây cũng cho thấy điều duy nhất khiến ông quan tâm là những chi phí mà Mỹ phải bỏ ra. Vì lý do này, nước Mỹ sẵn sàng "nhường" lại Trung Đông, khu vực địa chính trị quan trọng, cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, để lui lại phía sau tránh những tốn kém không hiệu quả.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu trước các quân nhân, chủ yếu là lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters

"Mỹ không thể tiếp tục làm cảnh sát toàn cầu", nhà lãnh đạo Mỹ nói. “Thật buồn khi bạn chi 7.000 tỷ USD cho Trung Đông mà vẫn phải tới đây trong những chiếc máy bay ngụy trang kín mít cùng tất tật những thiết bị tối tân trên thế giới chỉ để được an toàn”, ông Trump bày tỏ bất bình trước tình hình an ninh hiện tại trong khu vực. "Chúng tôi không muốn bị lợi dụng thêm bởi những quốc gia đang dựa vào Mỹ và quân đội Mỹ để bảo vệ họ", ông tuyên bố trên chuyên cơ Không lực Một khi tới Iraq.

Chú thích ảnh

Chính phủ Mỹ không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn phải bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên, việc cung cấp “phòng vệ thông thường”, như Hiến pháp Mỹ yêu cầu, thì quá dễ dàng. Nước Mỹ có các đại dương lớn ở bờ Đông và Tây, những nước láng giềng hòa hảo ở phía Bắc và Nam. Ngày nay chỉ Nga, với kho vũ khí hạt nhân, là có khả năng tấn công gây hậu quả nghiêm trọng vào Mỹ, nhưng Moskva không có ý định làm vậy. Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu nhằm ngăn cản Washington lấn lướt ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.

Chủ nghĩa khủng bố đã gia tăng trở lại, và mặc dù có những vụ tấn công tàn bạo, chúng cũng không đặt ra mối đe dọa sống còn với nước Mỹ. Và cũng không lực lượng vũ khí hạt nhân hay quy ước nào của Mỹ đưa ra được cách đáp trả tốt nhất với khủng bố, trong khi những cuộc chiến hình thành trên khắp thế giới dường như còn nhanh hơn cả tốc độ thu hẹp chủ nghĩa khủng bố.

Cái giá đắt khi đóng vai 'cảnh sát toàn cầu'

Vì thế, theo trang National Interest, việc Washington dự chi 717 tỷ USD trong năm tài chính 2019 nhằm duy trì các lực lượng quân đội, hạm đội, phi đội của Mỹ trên khắp thế giới, không phải vì nền quốc phòng của nước Mỹ. Chính sách này nhằm bảo vệ các đồng minh, ảnh hưởng của Mỹ, thúc đẩy các giá trị Mỹ và nhiều điều nữa. Tất cả những điều này đều có những giá trị, nhưng không làm được gì cho việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ, con người và sự thịnh vượng Mỹ.

Video bộ binh Mỹ tham gia chiến dịch quân sự tại Manbij, Syria:

Trong khi đó, nước Mỹ phải chi khổng lồ cho ngân sách quốc phòng, tương đương với ngân sách quốc phòng của hàng chục quốc gia khác cộng lại. Nói một cách khác, ngân sách quốc phòng là cái giá phải trả cho chính sách đối ngoại quyết đoán của Mỹ. Đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu" không bao giờ là rẻ.

Mặc dù người Mỹ đã được chuẩn bị tư tưởng để trả bất cứ mức giá nào cần cho quốc phòng, nhưng không phải là để phục vụ cả thế giới. Thậm chí khi người Mỹ từng cảm thấy còn đủ giàu có để chi trả cho việc theo đuổi chính sách toàn cầu, thì thời kỳ đó đã kết thúc. National Interest cho rằng Washington đang bên vực phá sản.

Năm ngoái đảng Cộng hòa, từng tuyên bố là “người gác ngân khố Mỹ”, đã sử dụng quyền kiểm soát tại lưỡng viện quốc hội để cùng lúc tăng mạnh chi tiêu liên bang và cắt giảm thuế. Hậu quả là thâm hụt ngân sách lên tới 770 tỷ USD, tăng 114 tỷ USD so với năm trước đó. Lần gần đây nhất “chú Sam” chi tiêu quá tay mạnh như vậy là vào năm 2012 trong thời kỳ phục hồi sau khủng hoảng tài chính.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ đóng tại Manbij, Syria nói chuyện với người dân địa phương. Lực lượng Mỹ tại Syria đã được lệnh rút về nước. Ảnh: AP

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ còn chỉ ra rằng đề xuất ngân sách 2019 của Tổng thống Trump sẽ đẩy thâm hụt ngân sách lên tới gần 1.000 tỷ USD – dù không dính gì đến khủng hoảng tài chính. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng, dự báo lên tới 1.527 tỷ USD vào năm 2028, tức là gần gấp hai lần mức thâm hụt của năm 2017.

Nước Mỹ cũng được dự báo sẽ gánh thêm nợ 12.400 tỷ USD trong vòng một thập niên tới. Số nợ này sẽ tăng tỉ lệ thuận với lãi suất tăng. Dự kiến phần lãi mà nước Mỹ phải trả sẽ tăng từ 315 tỷ USD trong năm ngoái lên 819 tỷ USD vào năm 2028.

Con số trên sẽ làm tăng gấp gần hai lần tỉ lệ trả lãi nợ trên GDP, từ 1,6% lên 3,1% GDP. Ở mức đó, lãi suất nợ sẽ là chương trình chi tiêu lớn thứ ba của Mỹ, chỉ sau chương trình An sinh xã hội và Y tế. Trong vòng 2 thập niên nữa, các khoản chi trả nợ sẽ ngang với chương trình An sinh xã hội, hiện đang là chương trình liên bang tốn kém nhất. Thanh toán nợ chính phủ khi đó sẽ ngốn tới 6,3% GDP, mức cao nhất trong lịch sử!

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump cũng đã quyết định rút một lượng lớn binh sĩ khỏi Afghanistan sau khi ông hạ lệnh rút quân khỏi Syria. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh đó, điều gì sẽ xảy đến với Lầu Năm góc, cơ quan chi tiêu tốn kém tiền bạc, thời gian, cũng như mạng sống của người Mỹ cho các hoạt động ở nước khác? Cắt giảm là điều không tránh khỏi, và điểm bắt đầu cho chiến lược này là các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

Các nhà phân tích cho rằng điểm khởi đầu nước Mỹ cần làm là sửa đổi chính sách đối ngoại. Chính quyền nên từ bỏ các liên minh lỗi thời, điều chỉnh cấu trúc lực lượng của các liên minh cho phù hợp.

Để ổn định tài chính của Washington, tất cả các chương trình cần được giải quyết. Tuy nhiên, chi tiêu quân sự xứng đáng được xem xét đặc biệt kỹ lưỡng. "America First" (Nước Mỹ trên hết), như tổng thống Trump tuyên bố, không nên đồng nghĩa với việc bỏ qua các nhu cầu và quyền lợi của các nước khác, nhưng nó xác định rằng nhiệm vụ cao nhất của Chính phủ Mỹ là dành cho chính người dân của mình. "America First" cũng có nghĩa là các hành động quân sự, với những chi phí tốn kém về người và tài chính, chỉ là một biện pháp cuối cùng, được thực hiện cho những mục đích quan trọng nhất.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ còn tranh cãi tường biên giới, Nga đã xây xong hàng rào tách biệt Crimea - Ukraine
Mỹ còn tranh cãi tường biên giới, Nga đã xây xong hàng rào tách biệt Crimea - Ukraine

Trong lúc các nghị sĩ Mỹ còn đang tranh cãi kinh phí khổng lồ xây dựng tường ngăn biên giới với Mexico, thì Nga đã thông báo hoàn tất hàng rào biên giới chia tách hẳn bán đảo Crimea với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN