Những điểm sáng không thể bỏ qua trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2

Mặc dù không ký được thỏa thuận chung như dự kiến nhưng các chuyên gia đều nhận định Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 có những điểm sáng không thể không nhắc tới.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: AFP/ TTXVN

Do không có một thỏa thuận nào giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau hai ngày hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, một số báo chí phương Tây cho rằng hội nghị đã không thành công như kỳ vọng. Tuy nhiên, hai chuyên gia an ninh và quốc phòng Mỹ bày tỏ không đồng ý với cách hiểu này trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc).

Ông Joel Wit, Giám đốc 38 North - trang web chuyên phân tích tình hình Triều Tiên, cho biết tại Hội Triều Tiên ở New York: Hội nghị thượng đỉnh lần này rõ ràng là một phần trong lịch sử 25 năm qua của quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Cả hai nhà lãnh đạo đều rất chú tâm vào quá trình đàm phán, đặc biệt là Chủ tịch Kim Jong-un.

Ông Wit từng điều phối quá trình thực hiện Khung Thống nhất Mỹ-Triều Tiên năm 1993 thời Tổng thống Bill Clinton. Thỏa thuận này sụp đổ khi Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn làm giàu urani.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đi dạo trong vườn khách sạn Metropole tại Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo ông Joel Wit, quá trình hành động của Chủ tịch Kim Jong-un không phải là tập trung truyền thông quốc tế tới để chụp ảnh – điều mà rất nhiều người nghĩ. Đây là một sự chuyển đổi thực sự trong chính sách của Triều Tiên và ông ấy đang tìm cách đi theo một con đường khác. Ông Joel Wit nói: “Có tiến triển đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về một loạt vấn đề, chỉ là chưa đủ để đạt một thỏa thuận cuối cùng mà thôi”.

Mặc dù không nói rõ những tiến triển đó nhưng ấn tượng của ông Joel Wit về hội nghị phù hợp với nhận xét của một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/3: “Chúng tôi đã kết thúc hội nghị với suy nghĩ rất tốt giữa hai phía. Chúng tôi chỉ là chưa đạt thỏa thuận tại thời điểm này, nhưng chúng tôi đã có nhiều chi tiết mà trước đây chưa từng đề cập tới, ít nhất từ lúc có Tuyên bố chung ở Singapore hồi tháng 6/2018. Trong đó có những thứ như định nghĩa về khu phức hợp hạt nhân Yongbyon – vấn đề rất quan trọng với chúng tôi khi chúng tôi tiến tới dỡ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Triều Tiên”.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon được Triều Tiên mở rộng vào những năm 1990 và là trái tim chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chú thích ảnh
Dù không đạt thỏa thuận nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn lạc quan về triển vọng đàm phán. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói trên cho biết: Trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, Triều Tiên đã đề xuất dỡ bỏ khu vực Yongbyon để đổi lại việc xóa bỏ một loạt biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, phía Mỹ sợ rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng đóng băng chương trình hạt nhân và lo ngại việc nới lỏng trừng phạt nghĩa là sẽ trao nhiều tỷ USD cho Triều Tiên, vô tình khiến Mỹ rơi vào tình thế tài trợ cho quá trình phát triển vũ khí ở Triều Tiên. Ông này nói: “Chúng tôi không đạt thỏa thuận vì thỏa thuận chưa ở đó để đạt được”, đồng thời khẳng định vấn đề tích cực ở đây là hai bên vẫn còn không gian để tiếp tục đàm phán.

Trong khi đó, chuyên gia an ninh Scott Snyder ngày 28/2 nhận định: Kết quả chưa như kỳ vọng ở Hà Nội thực ra lại làm sáng rõ thêm khoảng cách tồn tại giữa Mỹ-Triều Tiên về cả mặt niềm tin và quan điểm của mỗi bên liên quan tới quy mô phi hạt nhân hóa và quy mô giảm trừng phạt.

Ông Snyder, Giám đốc Chương trình Chính sách Mỹ-Triều Tiên thuộc Hội đồng Đối ngoại, cho biết trong thực tế kết quả tại hội nghị ở Hà Nội lại có thể tạo nền tảng cho các cuộc đối thoại mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ông nói: "Việc không đạt được thỏa thuận đã trao cho Mỹ và Triều Tiên cơ hội hiểu hơn về điều mà bên kia muốn. Ông Snyder hy vọng các bên sẽ sớm nối lại đàm phán cấp chuyên viên".

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong bữa tối 27/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bình luận của tờ Foreign Policy, bất chấp kết thúc bất ngờ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, điểm tích cực không thể phủ nhận đó là mọi chuyện chưa phải dấu chấm hết. 

Bản thân Tổng thống Trump cũng rất cẩn trọng khi họp báo tại khách sạn JW Marriott ngày 28/2 khi ông nói không hứng thú với việc trừng phạt thêm Triều Tiên vì “rất nhiều người dân tuyệt vời ở Triều Tiên còn phải sống”. Ông cũng để ngỏ vấn đề định nghĩa phi hạt nhân hóa, lưu ý rằng Chủ tịch Kim Jong-un có tầm nhìn riêng của ông ấy và đó chưa hẳn là tầm nhìn của Mỹ, nhưng hai tầm nhìn đã gần nhau hơn rất nhiều so với 1 năm trước đây. Ông Trump khẳng định: “Tôi cho rằng cuối cùng chúng ta sẽ tới đó”.

Xem video hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau tại Hà Nội (nguồn: AP):

Dù hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên có lẽ khiến nhiều người hụt hẫng, song việc hai bên nhìn nhận và hành động thế nào sau đó mới là điều quan trọng. Tờ Foreign Policy bình luận: “Đám mây nhanh chóng trôi qua, có lẽ thời tiết sẽ hoàn toàn khác trong lần tới khi ông Trump và Kim Jong-un ngồi lại cùng nhau”.

Trước đó, dư luận kỳ vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên sẽ ký kết thỏa thuận chung tại Hà Nội ngày 28/2. Nhiều người hy vọng sẽ ít nhất có một tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hoặc Triều Tiên đồng ý dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon và Mỹ sẽ giảm trừng phạt.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Yongbyon - Trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên
Yongbyon - Trái tim của chương trình hạt nhân Triều Tiên

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội kết thúc, Tổng thống Donald Trump nêu rõ trở ngại giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un chỉ duy nhất một vấn đề: Bình Nhưỡng sẽ nhận được gì nếu phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN