Nỗ lực đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi rủi ro

Dư luận quốc tế đang hướng sự quan tâm đến Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), diễn ra trong hai ngày 12-14/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế trên thế giới cùng hàng nghìn đại diện trong khu vực tư nhân, xã hội dân sự và giới học giả nhằm tìm lời giải cho những thách thức hiện nay và phương hướng phát triển mới cho nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị mùa Xuân năm nay diễn ra khi kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, giữa lúc căng thẳng thương mại tiếp diễn. Trong bối cảnh đó, nỗi lo ngại về tốc độ tăng trưởng ì ạch của kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ bao trùm không gian thảo luận và chi phối chương trình nghị sự của hội nghị lần này.

IMF mới đây đã giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, định chế tài chính này giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu, cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tại cuộc họp báo ở Washington D.C, Mỹ ngày 11/4. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết thế giới đang đối mặt với một thời điểm bất ổn khi 70% nền kinh tế toàn cầu rơi vào tăng trưởng chậm và tình trạng này có thể càng tồi tệ hơn bởi "những vết thương tự mình gây ra" như các cuộc chiến tranh thương mại không cần thiết.

Quả thực, triển vọng của 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu là Mỹ, Trung Quốc và EU được dự báo không mấy sáng sủa do bối cảnh địa chính trị diễn biến phức tạp và khó đoán định. IMF đã cắt giảm đáng kể mức dự báo tăng trưởng của Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - trong năm nay xuống còn 2,3%. Thậm chí, IMF còn điều chỉnh dự báo tăng trưởng này xuống còn 1,9% trong năm tới. Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) - ngân hàng trung ương của Mỹ, cũng tỏ ra khá bi quan với việc giảm chỉ số tăng trưởng của kinh tế nước này xuống còn 2,1% trong năm 2019 và 1,9% trong năm 2020. Trong khi đó, từ một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng 2 con số trước những năm 2010, tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu giảm dần qua từng năm và được dự báo chỉ tăng 0,1% trong năm 2019, ở mức 6,3%. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất trong 28 năm qua. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lòng tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp sụt giảm cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với lĩnh vực sản xuất ô tô do các tiêu chí mới về ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến IMF cho rằng tăng trưởng của khu vực này chỉ ở mức 1,3% trong năm 2019 và nhích lên mức 1,5% trong năm tới.

Mặc dù IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng lên 3,6% trong năm 2020 và sẽ không có suy thoái trong tương lai gần, song nhiều rủi ro có thể bất ngờ làm sai lệch dự báo. Cuộc chiến thương mại xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 25% đối với xe ô tô và linh kiện xe hơi nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia có nguy cơ sẽ hủy hoại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn những gì xung đột thương mại Mỹ - Trung đã gây ra. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho rằng một cuộc xung đột như thế có thể dẫn tới “những gián đoạn nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu”, chính vì vậy, nền kinh tế thế giới sẽ phải trả giá nhiều hơn so với cái giá của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 

Chú thích ảnh
Ô tô của Tập đoàn Volkswagen và Audi tại một bãi đỗ xe ở Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó thừa nhận rằng ông đang sử dụng lời đe dọa đánh thuế ô tô để buộc các đối tác thương mại như Nhật Bản và EU ngồi vào bàn đàm phán, cũng như gây sức ép buộc Mexico cải thiện an ninh biên giới với Mỹ.  

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng bị xem là nhân tố trì hoãn đà phát triển của nền kinh tế thế giới. Trải qua 9 vòng đàm phán thương mại với nhiều nỗ lực đến từ cả hai phía, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn dở dang và chưa thể kết thúc bằng một thỏa thuận chung như kỳ vọng. Mặc dù một thỏa thuận đình chiến tạm thời đã làm căng thẳng giảm đi đôi chút, song vẫn còn những nguy cơ đe dọa đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Ngoài ra, nợ nần chồng chất cũng là một yếu tố gây quan ngại. Trong báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu công bố nửa năm một lần, IMF cảnh báo gánh nặng nợ cao của các quốc gia và các tập đoàn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương và đối diện với nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng khác. Nhiều chính phủ và công ty, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đang ngập trong nợ. Ở Mỹ, tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện ở mức cao kỷ lục, trong khi đó, ở nhiều nước châu Âu, các ngân hàng cũng đang phải "gánh" quá nhiều trái phiếu chính phủ. 

Trong bối cảnh đó, cuộc "ly hôn" hỗn loạn của Anh và EU đã làm tăng thêm sự lo lắng đối với hệ thống kinh tế toàn cầu vốn đã có quá nhiều yếu tố tác động. IMF dự báo tình trạng trì trệ thương mại do kịch bản Brexit không thỏa thuận gây ra sẽ khiến GDP của Anh giảm 1,4% trong năm đầu tiên và 0,8% trong năm tiếp theo. Mặc dù không giảm mạnh, song EU cũng không tránh khỏi những tác động từ Brexit, với GDP dự đoán giảm 0,2% trong năm đầu tiên vào 0,1% trong năm tiếp theo. Theo IMF, tác động từ kịch bản Brexit không thỏa thuận có thể làm giảm tới 3,5% GDP của Anh từ nay đến năm 2021 và 0,5% của EU trong giai đoạn này.

Hội nghị mùa Xuân WB-IMF là diễn đàn thường niên để các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và học giả thảo luận về tình hình thế giới mới, đồng thời khuyến nghị các biện pháp cải thiện quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa trải qua một năm biến động và được dự báo không mấy sáng sủa trong năm 2019, hội nghị lần này được kỳ vọng có thể thống nhất đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ để có thể cứu vãn nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai. Bên cạnh những nỗ lực chung, từng quốc gia nói riêng cũng cần phải giải quyết một cách hợp tác và nhanh chóng những bất đồng thương mại, hơn là tạo thêm những rào cản có hại và gây bất ổn định kinh tế toàn cầu. 

THÙY AN (TTXVN)
Eo biển Singapore - tấm gương phản chiếu 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu
Eo biển Singapore - tấm gương phản chiếu 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu

Một thập niên trước đây, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến Eo biển Singapore biến thành “bãi đỗ tàu biển”. Khi đó, hàng loạt tàu lớn nhỏ nằm bắt động tại đường biển sôi động nhất thế giới khi kinh tế ảm đạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN