Nới dần nút thắt trong đàm phán hạt nhân 

Gần 6 tuần kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thực hiện sứ mệnh ngoại giao khó khăn tới thủ đô Washington để tìm cách tháo gỡ những nút thắt trong tiến trình đàm phán vốn đang bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington DC., ngày 11/4/2019. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Như chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, khúc mắc trong đàm phán nằm ở vấn đề trừng phạt, trong đó phía Triều Tiên đã nhiều đề nghị Washington dùng hành động dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên như một cách thể hiện thiện chí đàm phán, song Mỹ chưa chấp nhận. Triều Tiên tỏ ra ưu tiên vấn đề dỡ bỏ trừng phạt, còn Washington vẫn coi trừng phạt là đòn bẩy quan trọng buộc Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/4, tuyên bố nước này cần phải "giáng một đòn quyết định" vào các thế lực thù địch áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Phía Triều Tiên cũng phát đi tín hiệu nước này sẽ chấm dứt đàm phán nếu lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ không thể hiện được sự linh hoạt trong vấn đề trừng phạt. Thông điệp cứng rắn này đã tạo ra gánh nặng rất lớn đối với Tổng thống Moon Jae-in khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Tại cuộc hội đàm diễn ra rạng sáng 12/4 (theo giờ Hà Nội) tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Hàn Quốc đã cố gắng thuyết phục ông Trump rằng có những "dấu hiệu tiến bộ" và rằng Triều Tiên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhượng bộ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại. Nhận thức rõ việc Mỹ và Triều Tiên đạt được một thỏa thuận lớn mang tính toàn diện về vấn đề phi hạt nhân của Triều Tiên vào thời điểm này là phi thực tế, Tổng thống Hàn Quốc đã đề xuất một thỏa thuận khiêm tốn hơn.

Giới chức Hàn Quốc trước đó úp mở rằng thỏa thuận này có thể bao gồm quay trở lại ý tưởng dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, hay những bước tiến nhỏ hơn như mở cửa văn phòng liên lạc Mỹ-Triều, hoặc nhất trí một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cũng giải thích rằng một thỏa thuận nhỏ không phải là thỏa thuận tồi nếu nó hướng tới mục đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jea-in được xem là "triển khai từng bước" để đạt được thỏa thuận toàn diện.

Những nỗ lực của ông Moon Jea-in có vẻ đã nhận được phản hồi khá tích cực. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét các đề xuất cụ thể của Hàn Quốc và rằng "một số thỏa thuận nhỏ có thể được tính đến" cho dù mục tiêu của ông từ trước đến nay là theo đuổi một thỏa thuận lớn đi thẳng vào trọng tâm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chứ không đơn thuần là dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Cũng tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Hàn Quốc đã thúc giục Mỹ có sự nhượng bộ, cụ thể là "tạm hoãn một số lệnh trừng phạt chọn lọc" đối với Bình Nhưỡng, để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cửa tất cả cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc hy vọng có thể khuyến khích ông Trump đồng ý có nhượng bộ nào đó để tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc nhiều hơn giữa Mỹ và Triều Tiên. Mặc dù, Tổng thống Trump vẫn duy trì quan điểm cứng rắn đối với cách tiếp cận theo giai đoạn mà Bình Nhưỡng mong muốn, nghĩa là nhượng bộ từng bước để đổi lấy nới lỏng cấm vận từng phần, nhưng ông Trump tuyên bố rằng tại thời điểm này sẽ không có thêm bất cứ đòn trừng phạt mới nào đối với Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ có "sự hỗ trợ tuyệt vời" về kinh tế cho Triều Tiên vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng ủng hộ Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Cho dù còn có một số khác biệt về cách tiếp cận với Triều Tiên, nhưng cả hai nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Tổng thống Trump cũng tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể diễn ra, đồng thời ông cũng khẳng định các cuộc đàm phán "sẽ diễn ra từng bước và không thể vội vàng". 

Giới quan sát cho rằng việc sau chuyến công du Mỹ lần này, Tổng thống Hàn Quốc sẽ nỗ lực thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư. Với vai trò người "bắc cầu" và "giữ lửa" cho các cuộc đàm phán Mỹ- Triều, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang quyết tâm hơn bao giờ hết để thuyết phục cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên quay trở lại tiến trình đối thoại. 

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc từng thể hiện năng lực làm cầu nối trong việc thu hẹp những bất đồng giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo này hồi năm ngoái ở Singapore, và những nỗ lực ngoại giao con thoi của ông có thể một lần nữa trở thành "chất xúc tác" cho các cuộc đàm phán Mỹ-Triều sắp tới, cho dù đó là một nhiệm vụ rất khó khăn. Những bước đi "kiên nhẫn gỡ nút thắt" của Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến công du lần này, dù chưa thể tạo ra kết quả cụ thể, song đã giúp duy trì động lực đối thoại Mỹ - Triều , tránh để tiến trình phi hạt nhân hóa sụp đổ.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Mỹ hy vọng tiếp tục đàm phán hạt nhân sau khi Triều Tiên tuyên bố 'không nhượng bộ'
Mỹ hy vọng tiếp tục đàm phán hạt nhân sau khi Triều Tiên tuyên bố 'không nhượng bộ'

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington hy vọng rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục. Phát biểu này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố họ có thể sẽ rời khỏi bàn đàm phán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN