Sự im lặng bất thường

Thế giới lại một lần nữa sốc trước thảm kịch máy bay MS804 của Hãng hàng không Ai Cập EgyptAir rơi trên Địa Trung Hải ngày 19/5. Thông thường, nếu là một vụ khủng bố, đã có kẻ nhận trách nhiệm. Sự im lặng bất thường này khiến các chuyên gia phỏng đoán nhiều giả thiết.

Giải mã sự im lặng

Sau nhiều ngày trôi qua, chưa ai tìm ra bằng chứng xác đáng về việc có bom trên máy bay. Tuy nhiên, do chiếc máy bay mang mã hiệu MS804 đột ngột bị rơi xuống biển và việc nó đang trên đường bay tới Ai Cập - nơi từng xảy ra một vụ đánh bom máy bay cách đây không lâu - khiến giới chức chính phủ và các chuyên gia đều nghiêng về khả năng khủng bố.

Hành khách khó có cảm giác an toàn tuyệt đối khi bước chân lên máy bay sau một loạt vụ tai nạn liên quan tới khủng bố. Ảnh: EPA/ TTXVN

Có hai khả năng chính có thể được tính đến để lý giải sự im lặng hiện nay. Ông Scott Stewart, Phó Chủ tịch phân tích chiến lược của Stratfor nói: Khả năng cao nhất khi các nhóm khủng bố không lên tiếng là do chúng không đánh bom máy bay. Nhưng cũng có một khả năng nữa đó là thủ phạm không muốn công khai trách nhiệm để bảo vệ những “đặc vụ” mà chúng đã dày công thiết lập trong mạng lưới giao thông thế giới hoặc giữ kín những kỹ thuật khủng bố mới mà chúng vừa phát triển. Chúng sẽ chỉ công bố sau khi thực hiện thành công nhiều vụ khác.

Giả thiết thứ hai không phải là không có tiền lệ. Vụ đánh bom chuyến bay 434 của Hãng hàng không Philippines Airlines tháng 12/1994 không có ai nhận ngay trách nhiệm vì những kẻ chủ mưu hi vọng có thể cải tiến thiết bị đánh bom để sử dụng trong một vụ tấn công lớn hơn nhằm vào 10 hãng hàng không xuyên Thái Bình Dương. Trong vụ tấn công đó, những tên khủng bố đã thử một ý tưởng mới về dùng hóa chất để làm nổ tung máy bay. Từ vụ này, các sân bay toàn thế giới đã phải tăng cường soi chiếu các loại chất lỏng mà hành khách mang lên máy bay. Một vụ nữa liên quan tới chuyến bay 103 của Hãng hàng không Pan Am nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland năm 1988. Giới chức Anh và Mỹ mất 3 năm để điều tra mới xác định ra khủng bố đã gài bom lên máy bay. Ông Stewart nhấn mạnh: “Nếu chúng có thứ gì mới, chúng không muốn tiết lộ cho đến khi thực hiện được điều gì to tát”.

Nếu giả thiết thứ hai đúng, thì một quả bom có thể đã được tuồn lên máy bay bằng cách nào đó tại sân bay Charles de Gaulle (CDG) ở Paris - vốn được coi là một trong những sân bay an ninh chặt chẽ nhất châu Âu. Nếu bom đưa được lên máy bay tại CDG, mọi hoài nghi sẽ đổ dồn vào các biện pháp an ninh phòng ngừa được thực hiện để bảo vệ ngành hàng không dân sự từ vụ khủng bố 11/9/2001, cụ thể là 86.000 nhân viên tại sân bay CDG có quyền làm việc trong khu vực mà hành khách không được vào. Để tìm ra ai trong số đó có thể là tay trong của khủng bố không phải là điều đơn giản. Tại Pháp, 7% dân số là người Hồi giáo và bất kỳ ai trong số họ cũng có thể âm thầm làm việc cho khủng bố như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Giới chức Pháp đã từng tìm cách phát hiện bằng chứng cực đoan trong số các nhân viên làm việc ở sân bay và đã hạn chế bớt phạm vi tự do đi lại của 57 người hồi tháng 11/2015. Tại Bỉ, 11 công nhân cũng bị cấm cửa khỏi nhà máy điện hạt nhân sau khi xuất hiện lo ngại khả năng có người đánh cắp vật liệu phóng xạ cho IS.

Thách thức vô hình

Đây chính là điều khiến IS là một thách thức khó giải quyết. IS không hoạt động như mạng lưới al-Qaeda vốn tự coi mình là một lực lượng khủng bố “tinh túy”, tự mình lên ý tưởng tấn công, chọn mục tiêu và các vụ tấn công bao giờ cũng do thành viên nhóm đích thân thực hiện. Còn với IS, tổ chức này hoạt động giống như một phong trào đại chúng mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia và bất kỳ ai cũng được chúng khuyến khích gây bất ổn ở bất kỳ nơi đâu.

Các chuyên gia cũng đặt ra một khả năng là quả bom được gài vào máy bay của EgyptAir trước khi nó tới Paris để từ đây bay tiếp đến Ai Cập. Dù cách này ít khi được khủng bố áp dụng, nhưng nó đã từng xảy ra. Trước khi khởi hành 48 giờ, chuyến bay MS804 đã ở Asmara (Eritrea) và Tunis (Tunisia). Trong đó, Tunisia là một ổ tuyển mộ của IS, là quốc gia có nhiều tình nguyện viên làm việc cho IS nhiều nhất. Và khả năng một hay hai nhân viên làm việc tại sân bay Carthage ở Tunis là “người hâm mộ” IS không hề nhỏ.

Theo ông Bruce Hoffmann, một chuyên gia về khủng bố thuộc Đại học Georgetown, trong trường hợp MS804 bị tấn công, việc không có nhóm khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm chứng tỏ bọn chúng cố tình không công bố ngay “thành tích”. Mục tiêu là để tăng cường sự bất an trong dư luận, gieo rắc sự lo lắng, sợ hãi cho những người đi máy bay, tạo đất sống cho những đồn đoán, nghi ngờ, đặc biệt là nghi ngờ nhằm vào những người Hồi giáo chân chính.

Nếu đây là ý đồ thực sự của khủng bố trong vụ tai nạn MS804, cuộc chiến chống khủng bố sẽ bước sang một trang hoàn toàn khác khi ngoài những vụ tấn công hữu hình, thế giới còn phải đối phó với những âm mưu khủng bố tinh thần - thứ đã và đang và sẽ tước đi cảm giác an toàn mà bất cứ ai cũng đáng được hưởng.
Thùy Dương
Máy bay EgyptAir mất tích từng bị đe doạ
Máy bay EgyptAir mất tích từng bị đe doạ

Chiếc máy bay số hiệu MS804 của hãng EgyptAir, mới đây rơi xuống biển Địa Trung Hải, hai năm về trước đã trở thành mục tiêu của những kẻ phá hoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN