Thủy quân lục chiến - chiến lược quốc phòng mới của Nhật

Báo “The Indian Express” vừa đăng bài viết của chuyên gia Raja Mohan với nhận định rằng do phải đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Nhật Bản có thể không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc coi lực lượng lính thủy đánh bộ là một thành tố quan trọng trong chiến lược quốc phòng mới của mình.

Tàu khu trục Atago của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tham gia cuộc tập trận với Mỹ. Ảnh: Kyodo-TTXVN


Tokyo đã từng có lực lượng lính thủy đánh bộ hùng mạnh. Lực lượng hải quân từng gây kinh hãi của Nhật Bản đã triển khai các lực lượng đổ bộ hải quân đặc biệt trước và trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trước đây, lính thủy đánh bộ là lực lượng không thể thiếu đối với hoạt động bành trướng của đế quốc Nhật, song ngày nay, Tokyo coi lính thủy đánh bộ như một lực lượng quan trọng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Thủ tướng Shinzo Abe - người trở lại nắm quyền sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2012 - đã cam kết tăng chi phí quốc phòng của Nhật Bản. Ông Abe đang triển khai những bước đi đầu tiên để chuyển chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ thụ động sang chủ động và tích cực. Ông đã đề nghị tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản ngay lập tức (mặc dù mức tăng không nhiều) và xem xét lại các đường lối chỉ đạo trong chính sách quốc phòng dài hạn của Nhật Bản.

Báo cáo vừa công bố hồi tuần trước tại Tokyo đã tiết lộ một số yếu tố của chính sách quốc phòng đang thay đổi của Nhật Bản. Trước các chiến thuật “diễu võ giương oai” ngày càng tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn tăng thêm khả năng tác chiến cả trên cạn lẫn dưới nước, tăng cường sử dụng máy bay giám sát không người lái và thành lập một lực lượng lính thủy đánh bộ. Báo cáo cho biết “để triển khai các đơn vị phản ứng nhanh, điều quan trọng là phải có khả năng hoạt động cả trên cạn lẫn dưới nước và có khả năng tiến hành các chiến dịch đổ bộ lên các hòn đảo xa xôi hẻo lánh”.

Tokyo ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ nhanh chóng chiếm một hòn đảo tranh chấp khiến Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào. Mỹ - đồng minh lâu nay của Nhật Bản - cũng tỏ ra miễn cưỡng khi phải lên tiếng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Tokyo và không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến các quần đảo nhỏ tại biển Hoa Đông.

Tokyo không muốn đương đầu với một sự việc đã rồi, giống như Philippines đang phải đối phó hiện nay với Trung Quốc. (Bắc Kinh gần đây đã giành quyền kiểm soát bãi đá cạn Scarborough ở Biển Đông mà cả Manila và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền). Quân đoàn lính thủy đánh bộ sẽ cải thiện khả năng bảo vệ các vùng lãnh thổ hải đảo xa xôi và sẽ phản ứng nhanh trước bất kỳ âm mưu nào nhằm chiếm các đảo này.

Với các vùng biển châu Á, khả năng “viễn chinh” và hoạt động “lưỡng cư” đang trở thành một phần của cơ cấu quân sự khu vực. Trong khi Nhật Bản thảo luận việc thành lập một lực lượng lính thủy đánh bộ đáng tin cậy, Trung Quốc cũng đang trên đường tiến tới xây dựng những khả năng “lưỡng cư” như vậy.

Trong những năm 50 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã tìm cách phát triển một quân đoàn thủy quân lục chiến trong PLA, song kế hoạch bị bế tắc vào những thập niên sau đó. Trong thập niên vừa qua, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng các lữ đoàn thủy quân lục chiến hùng mạnh. Một tư lệnh PLA mới đây đã nói với báo chí Trung Quốc rằng quân đoàn thủy quân lục chiến là một phần quan trọng của các lực lượng vũ trang nước này.


TTK

Nhật Bản phản đối Trung Quốc khai thác khu vực tranh chấp
Nhật Bản phản đối Trung Quốc khai thác khu vực tranh chấp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 1/8 cho biết, chính phủ nước này sẽ kiên quyết phản đối việc Trung Quốc đơn phương thăm dò khí đốt tự nhiên tại những vùng biển tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN