Tổng thống Trump đã thay đổi nước Mỹ như thế nào sau 2 năm?

Hai năm trước, ngày 20/1/2017 theo giờ Mỹ, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump đã trải qua nửa nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên với quá nhiều cung bậc cảm xúc. Ảnh: EPA

Tờ The Guardian (Anh) đã nhìn lại những tác động của nhà lãnh đạo Mỹ lên những vấn đề lớn như chính sách đối ngoại, nền kinh tế, tư pháp, môi trường và nhập cư Mỹ sau nửa nhiệm kỳ.

Chính sách đối ngoại

Nếu có một đặc điểm xác định trong chính sách đối ngoại của kỷ nguyên Donald Trump, thì đó là sự không nhất quán và đôi khi rối loạn. Ông đã khăng khăng đưa quân đội Mỹ trở về từ Syria và Afghanistan, nhưng lại gây sốc cho các cố vấn của mình bằng sự hiếu chiến, đặc biệt là đối với Iran, gây ra nguy cơ bắt đầu các cuộc chiến mới. Trong khi chỉ trích nặng nề chính phủ ở Tehran, Tổng thống Trump lại quyết định không trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng của Iran ở Syria. Ông đe dọa tung "lửa cháy và thịnh nộ" đối với Triều Tiên, nhưng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lịch sử, lại tuyên bố rằng mình "yêu mến" nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho dù tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn giậm chân tại chỗ.

Tổng thống Trump đã miễn cưỡng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm dấy lên những nghi ngờ rằng ông đang bị ảnh hưởng bởi Điện Kremlin. Nhưng cũng chính chính quyền của ông đã gây tranh cãi với một đường lối cứng rắn hơn chống Nga so với người tiền nhiệm, chồng chất thêm nhiều lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: AFP

Một hằng số khác trong cách tiếp cận của Tổng thóng Trump với thế giới là nỗ lực xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và những cựu Tổng thống khác. Hầu như tất cả mọi thứ cựu Tổng thống Obama để lại, ông Trump đều đã bác bỏ, từ thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Iran đến các hiệp định thương mại ở Thái Bình Dương, châu Âu, hay Hiệp định khí hậu Paris.

Nước Mỹ từng tự hào với vai trò lãnh đạo thế giới trong hàng thập kỷ, nhưng dưới thời Tổng thống Trump, những điều đó không có nghĩa lý gì nếu chúng không đem lại lợi ích cho một "Nước Mỹ trên hết" (America First). Tại sao nước Mỹ lại phải căng mình gánh chịu phần lớn chi phí trong khi "của cải và sự thịnh vượng của Mỹ đã tản mát ngoài đường chân trời?". Lấy phương châm hành động "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đã rút khỏi các thỏa thuận và thể chế đa phương mà ông cho là nước Mỹ chịu thiệt, trong đó có các hiệp định tư do thương mại và cả hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) với Nga; ông gây sức ép đòi các nước NATO phải chia sẻ thêm gánh nặng tài chính và nhân lực...

Kinh tế

"Đây là nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta", Tổng thống Trump phát biểu với các phóng viên hồi năm 2018. Hai năm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông có rất nhiều điều để khoe nhưng cũng có một số vấn đề lớn, và nhiều trong số đó do chính ông gây ra.

Tỉ lệ thất nghiệp đang xuống gần mức thấp kỷ lục kể từ khi Mỹ đưa người lên Mặt trăng lần đầu tiên năm 1969, một minh chứng rõ ràng cho lời hứa "trở thành Tổng thống tạo công ăn việc làm vĩ đại nhất mà Chúa từng tạo ra". Cho đến nay, khoảng 5 triệu việc làm đã được tạo ra dưới thời Tổng thống Trump. Theo tờ USA Today, 156,6 triệu công nhân Mỹ đã được thuê là con số lớn kỷ lục, đặc biệt là lương cũng đang tăng với tốc độ 3,1%/năm, cao nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái thập niên 1930.

Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng sự phục hồi hiện tại đã bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama.

Trong khi đó, ở các lĩnh vực khác, hồ sơ kinh tế của ông Trump lại trái ngược hơn.Thành tựu chính sách kinh tế lớn nhất của ông là cắt giảm thuế 1,5 ngàn tỉ USD  mà ông đã thúc đẩy trong tháng 11/2017. Tuy nhiên, chính sách này bị các nhà phê bình ở cả cánh tả và hữu chỉ trích là một món quà cho các tập đoàn và chính nó đã giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Mỹ giơ sắc lệnh cắt giảm 1,5 ngàn tỉ USD tiền thuế được ký ngày 22/12/2017. Ảnh: AP

Và sau đó, tất nhiên, là đến chính sách kinh tế nổi bật nhất - chiến tranh thương mại. Nhà lãnh đạo Mỹ đã phá vỡ một cách hiệu quả hàng thập kỷ các thỏa thuận thương mại với các đối tác thương mại lớn nhất của nước Mỹ. Tác động của chính sách "gây chiến thương mại" vẫn đang được đánh giá nhưng nó đã gây ra sự bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và có thể góp phần làm chậm lại nền kinh tế Trung Quốc. Người khổng lồ công nghệ Apple mới đầu tháng 1 này đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2002, đổ lỗi cho việc kinh doanh chậm lại ở Trung Quốc. Và chắc chắn sẽ có nhiều cảnh báo khác đến tiếp sau.

Chủ nghĩa dân túy kinh tế của ông Trump đã giúp ông đắc cử. Nhưng việc ông có tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020 hay không thì sẽ phụ thuộc vào việc ông có thể giữ lời hứa trong nhiệm kỳ đầu hay không, hoặc những động thái mà ông thực hiện trong 2 năm qua có quay trở lại phản tác dụng hay không.

Nền tư pháp

Các chuyên gia của The Guardian gọi đây là Chiến dịch Gia trưởng. Tổng thống 72 tuổi và lãnh đạo Thượng viện 76 tuổi, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, đang làm hết sức mình để bảo vệ quyền tối cao của những người đàn ông da trắng tại tòa án Mỹ. Trong 2 năm qua, họ đã đưa vào kín các tòa án là những thẩm phán nam theo đường lối bảo thủ, chủ yếu là người da trắng.

Điều này có vẻ là một hoạt động như thường lệ đối với một đảng cầm quyền, song thực sự nó là sản phẩm của chiến lược dài hạn mà ông McConnell đưa ra. Vị Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa này đã chặn hàng chục ứng cử viên mà Tổng thống Obama từng đề xuất cho các tòa án liên bang bằng cách từ chối tổ chức bỏ phiếu tại Thượng viện và sẽ đưa ra danh sách các thẩm phán bảo thủ hơn thuộc phe Cộng hòa.

Sau cái chết của Thẩm phán Tòa án tối cao Antonin Scalia năm 2016, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ McConnell đã sử dụng quyền kiểm soát Thượng viện của đảng Cộng hòa để giữ chỗ trống trong 293 ngày bằng cách từ chối một phiên điều trần cho ứng cử viên mà Tổng thống Obama đề cử là Merrick Garland.

Sau đó, khi đắc cử tổng thống, ông Trump đã đề cử một người bảo thủ vào danh sách thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang, đó là Brett Kavanaugh. Ông này đã vượt qua lùm xùm bị cáo buộc tấn công tình dục trong quá khứ, để nhậm chức thẩm phán Tòa án Tối cao với nhiệm kỳ trọn đời.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump chúc mừng ông Brett Kavanaugh tuyên thệ nhậm chức thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vào tháng 10/2018. Ảnh: AFP / Getty Images

Chỉ với 2 năm đầu lãnh đạo Nhà Trắng, 85 thẩm phán đã được bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump: hai người vào Tòa án Tối cao, 30 người vào Tòa phúc thẩm Mỹ và 53 vào tòa án quận. Đó là một tốc độ nhanh hơn nhiều so với người tiền nhiệm, bởi ông Obama trong suốt 8 năm cầm quyền cũng chỉ bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao, 55 thẩm phán Tòa phúc thẩm và 268 thẩm phán quận.

Vấn đề môi trường

Thành tựu môi trường nổi tiếng nhất của ông Trump có lẽ là việc rút nước Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. "Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới", ông Trump giải thích cho quyết định của mình trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng 6/2018.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại bị chỉ trích là coi thường các quy định phức tạp về môi trường, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người Mỹ. Chẳng hạn, trong thời kỳ Giáng sinh và Năm mới vừa qua, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã quyết định rằng các quy tắc hạn chế phát thải thủy ngân, hóa chất liên quan đến rối loạn thần kinh, các vấn đề về tim phổi và hệ thống miễn dịch, là quá nặng nề đối với các nhà máy than và nên bị loại bỏ.

Chú thích ảnh
Ông Trump dự một cuộc mít tinh ở Charleston, Tây Virginia, hồi tháng 8/2018. Ảnh: AFP/Getty Images

Đây chỉ là đề xuất mới nhất trong danh sách khoảng 80 quy tắc môi trường bị dỡ bỏ hoặc dự kiến bãi bỏ bởi chính quyền Trump, bao gồm việc phá bỏ những chính sách từ thời người tiền nhiệm Obama để giảm phát thải khí nhà kính, tạm dừng lệnh cấm thuốc trừ sâu được coi là có hại đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và nới lỏng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu với ô tô.

Di trú

Đây là một trong những vấn đề gây ồn ào và tranh cãi nhất sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền và theo đuổi một chương trình nghị sự cứng rắn về nhập cư.

Lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ, nhắm vào một số quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, của ông đã ngăn các thành viên gia đình ở một số khu vực bất ổn nhất thế giới đến thăm những người thân của họ ở Mỹ. Gần đây nhất, một người phụ nữ từ Yemen đã tạm thời không được đến thăm đứa con trai hai tuổi bị bệnh nan y là một công dân Mỹ.

Chính quyền cũng tiếp tục gia tăng số vụ bắt giữ và trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ - hầu hết là không có tiền sử tội phạm nghiêm trọng. Hiện tại một kỷ lục 44.000 người đang bị giam giữ trong lúc các tòa án di trú tồn đọng các trường hợp phải xử lý ở mức cao kỷ lục.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu bên mẫu tường biên giới đặt gần cửa khẩu hải quan Otay Mesa ở San Diego, California. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, chính quyền đã cắt giảm số người tị nạn được phép vào nước này xuống mức thấp kỷ lục là 30.000 người trong năm 2019, giảm mạnh so với mức 45.000 người năm 2018.

Tại biên giới Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump thừa nhận đã cưỡng bức tách trẻ em di cư khỏi gia đình, kích động cảnh tuyệt vọng trong các phòng xử án và trung tâm tạm giam ở biên giới khi các bà mẹ cầu xin cho con trở về. Trên thực tế, chính sách này có thể đã chia tách hàng ngàn trẻ em khỏi bố mẹ di cư kể từ năm 2017.

Một trong những biểu tượng cho việc siết chặt chính sách nhập cư của Tổng thống Trump là đề xuất xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chính phủ đóng cửa một phần kéo dài hiện nay.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ
Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ

Tổng thống Donald Trump đã đơn phương đưa ra một đề xuất thỏa hiệp với đảng Dân chủ nhằm chấm dứt đóng cửa chính phủ. Nhưng bế tắc của ông với phe Dân chủ tại Quốc hội không có vẻ sẽ sớm đi đến một thỏa thuận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN