Từ cuộc chiến chống COVID-19 nghĩ về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu vốn là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có chung một đặc điểm quan trọng: cả hai đều là khủng hoảng toàn cầu đe dọa mạng sống hàng triệu người. Thế nhưng, chỉ có một cuộc khủng hoảng được nhiều nước quan tâm và giải quyết bằng những hành động quyết liệt.

Theo kênh CNN (Mỹ), khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan nhanh, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp thế giới đã thực hiện những biện pháp như thời chiến và chưa từng có tiền lệ.

Chú thích ảnh
Một trường học ở Modiin, miền Trung Israel đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều chính phủ đã phong tỏa toàn quốc, đóng cửa trường học, hủy sự kiện, dừng hoạt động nhà máy, yêu cầu người dân làm việc ở nhà, chi tiền khẩn cấp để chống dịch COVID-19. Không có cái giá nào là quá lớn nếu ngăn chặn được dịch bệnh.

SARS-CoV-2 đang chứng minh rằng thế giới hoàn toàn có thể thay đổi mạnh mẽ và hy sinh lợi ích kinh tế để cứu mạng người.

Hàng chục năm qua, các nhà khoa học đã yêu cầu lãnh đạo thế giới phải quyết liệt như vậy trong giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, bất chấp vô số thỏa thuận quốc tế, các chính phủ vẫn chậm chạp trong hành động giảm khí thải.

Bà Donna Green, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học New South Wales (Australia), nói: “Thực sự đau lòng vì nó cho thấy ở cấp độ quốc gia hay quốc tế, nếu chúng ta cần hành động là chúng ta có thể làm được. Vậy tại sao ta lại chưa hành động vì khí hậu? Không chỉ bằng lời mà bằng hành động thực sự”.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động của con người tiếp tục tăng, ô nhiễm không khí tiếp tục bóp nghẹt các thành phố, thế giới sắp ấm thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Vậy tại sao các chính phủ không hành động nhiều hơn để bảo vệ người dân khỏi tác động của biến đổi khí hậu?

Biến đổi khí hậu cũng là khủng hoảng y tế toàn cầu

Chú thích ảnh
Biến đổi khí hậu cũng là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ảnh: Getty Images

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người chết mỗi năm. Không khí độc hại khiến người dân toàn thế giới chết sớm gần 3 năm so với tuổi thọ trung bình. Cuộc sống của mỗi đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Tới 20/3, COVID-19 đã khiến trên 11.400 người tử vong, làm trên 275.000 người mắc bệnh ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh hưởng của đại dịch mạnh và đột ngột. Còn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chậm hơn và ngày qua ngày nhưng cũng không hề kém khốc liệt.

Phản ứng khác nhau với hai cuộc khủng hoảng nằm ở chỗ, với nhiều người, SARS-CoV-2 là mối đe dọa ngay lập tức, hữu hình. Virus này đang lây nhiễm cho con người và là căn nguyên khiến người ta mắc bệnh rồi chết.

Khủng hoảng khí hậu không phải là virus. Những bệnh mà khủng hoảng khí hậu gây ra và những nguy hiểm do khủng hoảng khí hậu xuất hiện thông qua bên thứ ba: ô nhiễm, lũ lụt, hạn hán. Từ đó, những người theo quan điểm bác bỏ khủng hoảng khí hậu có cơ hội để nói rằng đó là cái chết do nguyên nhân khác.

Với nhiều người không ở tiền tuyến chống biến đổi khí hậu, thì vấn đề chỉ như một chuyện trong tương lai xa xôi.

Cần hành động nhanh chóng

Chú thích ảnh
Cần chống biến đổi khí hậu quyết liệt như chống COVID-19. Ảnh: Getty Images

Nước nào thực hiện biện pháp phát hiện virus sớm, nhanh chóng phân bổ nguồn lực y tế và áp đặt biện pháp cách ly xã hội thì sớm kiềm chế dịch. Nước nào hành động chậm thì đang lãnh hậu quả.

Thời gian đầu, Hàn Quốc là ổ dịch lớn nhất sau Trung Quốc nhưng đã nhanh chóng xét nghiệm diện rộng và đã kiểm soát được tình hình những tuần gần đây. 

Có lo ngại rằng những nước như Mỹ, Anh đều hành động quá muộn. Nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Anh dự báo SARS-CoV-2 có thể làm quá tải hệ thống y tế và khiến 250.000 người chết ở Anh và hơn một triệu người chết ở Mỹ.

Bài học về sự sẵn sàng đó cũng có thể áp dụng vào cuộc khủng hoảng khí hậu. 

Các nước cần hành động nhanh để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thay vì ngồi chờ thảm họa đến đỉnh điểm mới hành động. Họ có thể hành động bằng giảm khí thải, phát triển công nghệ xanh, thực hiện chính sách khí hậu hiệu quả.

Con người đều biết thứ cần phải làm để ngăn chặn virus và chống biến đổi khí hậu, nhưng nhiều nước phát thải nhiều khí thải nhất lại chờ cho tới khi quá muộn.

Con người có sẵn công cụ

Chú thích ảnh
Đường phố Vũ Hán không có xe cộ phát khí thải khi thành phố bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images

Một trong những kết quả không ngờ khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiềm chế COVID-19 là khí thải giảm mạnh.

Theo Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus, các chất ô nhiễm không khí ở Trung Quốc giảm khoảng 20-30% trong tháng 2 nhờ hạn chế công nghiệp và giao thông.

Italy, nơi có ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc, đã phong tỏa toàn quốc và kết quả là ô nhiễm không khí giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Dòng nước trên hệ thống kênh đào Venice trở nên trong vắt vì không còn tàu thuyền hoạt động. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm đi lại đã khiến hàng loạt chuyến bay bị hủy, góp phần giảm ô nhiễm không khí. Làm việc từ nhà cũng cho thấy không phải ai cũng cần tới văn phòng.

Ai cũng biết điều đó nhưng đột ngột đóng cửa mọi nhà máy và cấm ô tô không phải là biện pháp bền vững để đối phó với biến đổi khí hậu. Các chính phủ lo ngại về ảnh hưởng kinh tế nếu đóng cửa nhà máy và hạn chế đi lại. Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global cho biết SARS-CoV-2 đã đẩy thế giới vào cuộc suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu cho biết không cần đóng cửa triệt để để đối phó với biến đổi khí hậu, mà chỉ cần dùng công nghệ sẵn có để giảm khí thải.

Vấn đề chính trị, truyền thông

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đã thay đổi quan điểm trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: Getty Images

Nếu đã có sẵn công cụ, tại sao các nước vẫn không hành động? Các nhà khoa học cho biết chính trị là yếu tố lớn.

Từ khi Tổng thống Donald Trump cầm quyền năm 2016, ông đã xóa bỏ các quy định về khí hậu vốn sinh ra để hạn chế biến đổi khí hậu. Ông đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, nới lỏng quy định về phát thải với các nhà máy điện, cho phép khai thác nhiều khí đốt và dầu mỏ… Các động thái này đang cản trở cuộc chiến chống cả biến đổi khí hậu và COVID-19.

Từ chỗ coi nhẹ dịch bệnh, Tổng thống Mỹ đã buộc phải tuyên chiến với COVID-19 khi gọi đây là kẻ thù vô hình và coi mình là tổng thống thời chiến.

Truyền thông cũng có vai trò lớn trong tuyên truyền về khí hậu. Đại dịch COVID-19 khiến báo chí thế giới đưa tin 24h mỗi ngày ở nhiều quốc gia. Người xem và độc giả tìm kiếm tin về đại dịch để bảo vệ mình.

Tuy nhiên, nhu cầu về thông tin biến đổi khí hậu không cấp bách như vậy và không được nói tới nhiều. Các mạng lưới truyền hình lớn ở Mỹ chỉ phát sóng lượng tin dài tổng cộng 238 phút về khí hậu trong năm 2019, chiếm 0,7% tổng lượng phát sóng.

Chỉ cần đưa tin về khí hậu bằng 1/10 so với đưa tin về COVID-19 thì có thể quan điểm của người dân sẽ thay đổi và họ nhận ra đây là mối đe dọa với mình.

Có thể nói COVID-19 chính là phiên bản chạy thử trong quản lý khủng hoảng toàn cầu mà thế giới không nên bỏ qua khi đối phó với biến đổi khí hậu.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhờ lệnh phong tỏa, cá heo thỏa thích bơi lội trên kênh đào Venice trong vắt
Nhờ lệnh phong tỏa, cá heo thỏa thích bơi lội trên kênh đào Venice trong vắt

Vì không có du khách và tàu thuyền hoạt động trên hệ thống kênh đào thành phố Venice (Italy), nguồn nước tại đây đã trong xanh trở lại, bớt ô nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN