Tương lai nào đang chờ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange?

Sau khi bị cảnh sát đưa ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, Julian Assange đã bị đưa tới nhà tù an ninh Belmarsh và có thể ngồi ở đây tới 12 tháng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu của một tương lai ác mộng, một cuộc chiến pháp lý kéo dài mà ông Assange có thể phải đối mặt.

Chú thích ảnh
Ông Julian Assange bị cảnh sát Anh đưa ra khỏi Đại sứ quán Ecuador. Ảnh: RT

Lần đầu tiên trong gần 7 năm, sáng 12/4, Julian Assange thức giấc bên ngoài Đại sứ quán Ecuador ở London. Từ năm 2012, ông đã trải qua 2.487 ngày liên tục sống trong hai căn phòng nhỏ để tránh bị truy bắt sau khi vi phạm điều kiện bảo lãnh. Giờ ông ngồi trong nhà tù ở Đông Nam London sau khi Ecuador hủy quy chế tị nạn chính trị của ông, dẫn đến vụ bắt giữ của cảnh sát Anh ngày 11/4.

Năm 2012, khi tới hạn phải trình diện tại đồn cảnh sát theo điều khoản bảo lãnh, ông Assange đã không tới đó mà tới thẳng Đại sứ quán Ecuador ở London. Ông biết rằng cảnh sát không thể vào đây bắt người do vướng quy tắc ngoại giao.

Xem video ông Assange bị đưa ra khỏi Đại sứ quán Ecuador (nguồn: RT):

Từ đó tới nay đã 7 năm, Assange không hề rời Đại sứ quán Ecuador vì sợ nếu bị bắt, ông có thể bị dẫn độ về Mỹ và bị truy tố nhiều tội danh. Giới chức Mỹ đã thông báo cáo buộc nhằm vào ông Assange là âm mưu xâm nhập máy tính Lầu Năm Góc, song ai cũng hiểu đó có thể chỉ mới là bước đi đầu tiên.

Theo hãng tin AP, Ecuador rút quy chế tị nạn của ông Assange vì đánh giá ông là một vị khách khó chịu và WikiLeaks đang âm mưu tống tiền Tổng thống Ecuador. Trong khi đó, Tổng biên tập trang WikiLeaks, ông Kristinn Hrafnsson, khẳng định ông Assange là một người vô tội bị cầm tù vì làm công việc nhà báo và đó là điều đáng gây bất bình.

Tranh cãi chính trị

Chú thích ảnh
Ông Julian Assange ngồi trong xe cảnh sát Anh khi bị áp giải tới tòa án Westminster ở London ngày 11/4. Ảnh: Sky News/TTXVN

Tại Anh, cuộc tranh cãi chính trị quanh việc có nên dẫn độ ông Assange hay không đang diễn ra gay gắt. Công đảng đối lập Anh kêu gọi chính phủ không giao ông Assange cho người Mỹ. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã đăng lên Twitter nói rằng Mỹ sẽ truy tố ông Assange vì “ông ấy làm lộ bằng chứng tội ác của Mỹ ở Iraq và Afghanistan”.

Bà Diane Abbott, phát ngôn viên về vấn đề trong nước của Công đảng, nói trước Quốc hội Anh: “Chính việc tố giác chiến tranh bất hợp pháp, giết người hàng loạt, giết hại dân thường và tham nhũng trên quy mô lớn đã đặt Julian Assange vào tình thế dễ bị chính quyền Mỹ tấn công”.

Việc chính trị hóa vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks cho thấy quan điểm trái chiều về ông Assange: một người hùng dám tố giác chống lại nước Mỹ hùng mạnh hay là một tay sai giúp cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump bằng cách công bố thư điện tử đánh cắp của đối thủ là bà Hillary Clinton.

Khả năng bị dẫn độ

Theo AP, nỗ lực chống lại việc bị dẫn độ có thể mất nhiều năm và ông Assange sẽ phải kháng cáo nhiều lần. Ông có thể đối mặt với một đề nghị dẫn độ nữa nếu Thụy Điển quyết định theo đuổi vụ ông bị cáo buộc tấn công tình dục vốn bị đình lại từ năm 2017 – khi ông này đang ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador và ngoài tầm với của luật pháp.

Chú thích ảnh
Nhà sáng lập trang Wikileaks Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh tháng 5/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu bị kết luận là có tội như những gì Mỹ cáo buộc, ông Assange có thể ngồi tù 5 năm. Luật sư về dẫn độ Ben Keith cho rằng tòa sẽ không đánh giá bằng chứng chống lại ông Assange để xác định ông ấy vô tội hay có tội, mà sẽ tập trung vào việc xem xét cáo buộc chống lại ông ở Mỹ có phải là một tội ở Anh không. Luật sư này nói: “Kết quả có nhiều khả năng xảy ra nhất là ông ấy sẽ bị dẫn độ tới Mỹ”.

Nếu Assange thua trong phiên tòa dẫn dộ, ông có thể kháng cáo vài lần và cuối cùng tìm cách để đưa vụ việc ra Tòa án Nhân quyền châu Âu, trừ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào thời gian đó.

Quyết định tìm cách dẫn độ ông Assange là một cách tiếp cận mới đầy cương quyết mà Chính phủ Mỹ thực hiện. Thời Tổng thống Barack Obama, Bộ Tư pháp Mỹ chưa dám mạnh tay khi mà họ còn tranh cãi trong nội bộ về việc có nên cáo buộc ông Assange hay không do lo ngại khó có đủ lý lẽ trước tòa và sẽ bị coi là tấn công báo chí.

Hiện Mỹ chưa lý giải tại sao họ lại quyết định cáo buộc ông Assange với một điểm buộc tội duy nhất là âm mưu xâm nhập máy tính từ năm 2010. Thời gian này, WikiLeaks được cho là đã giúp Chelsea Manning – người khi đó là một nhân viên phân tích tình báo quân đội Mỹ - bẻ mật khẩu để có quyền tiếp cận cấp cao vào mạng lưới máy tính mật.

Mỹ cũng không tiết lộ liệu chính quyền thời ông Obama có cùng bằng chứng đó hay không và liệu ông Assange có bị cáo buộc thêm tội gì không nếu bị dẫn độ tới Mỹ. 

Theo kênh CNN, các công tố viên Mỹ đã có một lộ trình để tiếp tục điều tra WikiLeaks và sẽ có thêm nhiều cáo buộc. Ông Peter Toren, cựu công tố viên liên bang về tội phạm máy tính, nhận định: “Chính phủ Mỹ không giới hạn bản cáo trạng chỉ ở một điểm buộc tội, đặc biệt là trong một vụ như này. Cách tốt hơn là đưa ra cáo trạng nhiều điểm buộc tội trước tòa. Nếu thua trong một điểm buộc tội, bạn sẽ thua cả vụ. Vì thế bạn sẽ không đặt cược mọi thứ vào một khả năng”.

Hiện nay, điểm buộc tội duy nhất kể trên có thể là con đường nhanh và khả dĩ nhất để công tố viên dẫn độ ông Assange tới Mỹ. 

Học giả pháp lý Orin Kerr cũng cho rằng cáo trạng nhằm vào ông Assange chỉ là “vỏ bọc”, có nghĩa là chỉ cần một cáo trạng ngắn là đủ để khởi động vụ việc, nhưng nó có thể chỉ là một phần nhỏ trong quá trình chống lại ông Assange.

Hiện chưa rõ ông Assange có thể bị dẫn độ về đâu, Thụy Điển hay Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khả năng Anh sẽ xem xét đề nghị dẫn độ theo thứ tự nhận được và Mỹ là bên gửi đề nghị dẫn độ trước Thụy Điển.

Ông Assange sẽ chống trả ra sao?

Tới nay, các luật sư của ông Assange đã coi cáo buộc của Mỹ là đòn tấn công báo chí. Họ cho rằng quá trình Assange liên lạc với Manning chỉ là khuyến khích Manning cung cấp thông tin và giấu danh tính nguồn tin.

Hình ảnh hoạt động của Assange trong Đại sứ quán Ecuador (nguồn: Foxnews):

Bản thân ông Assange cũng tự coi mình là nhà báo và các luật sư của ông sẽ tập trung vào vai trò với tư cách là một người xuất bản thông tin vì lợi ích cộng đồng. Thông tin mà ông Assange công bố có sự phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống như The Guardian và The New York Times. Hiện chưa rõ cách tiếp cận này có hiệu quả hay không.

Nhận định về cách tiếp cận này, ông Adam Wagner, một luật sư hàng đầu về nhân quyền, nói: “Dựa trên hiểu biết của tôi về các vụ tại tòa án châu Âu, có những vụ mà nhà báo bị truy tố, thường là vì những điều như phỉ báng nhân vật nổi tiếng hay đăng những điều không nên đăng. Tôi cho rằng chưa có vụ nào liên quan tới một quốc gia dân chủ, có luật an ninh quốc gia tinh vi – nơi mà một nhà báo có thể tránh khỏi bị truy tố vì đột nhập tài liệu an ninh quốc gia”. Luật sư này cho rằng lý lẽ tốt nhất mà nhóm pháp lý của ông Assange nên sử dụng là bảo vệ nguồn tin, cụ thể là để Manning không bị phát hiện và bị bắt.

Nhà bình luận pháp lý Anh Joshua Rozenberg cho rằng các tòa án Anh khó có thể chấp nhận lý lẽ bảo vệ lợi ích cộng đồng mà ông Assange đưa ra.

Thùy Dương/Báo Tin tức
7 năm 'giam lỏng' trong Đại sứ quán Ecuador thay đổi ông trùm WikiLeaks ra sao
7 năm 'giam lỏng' trong Đại sứ quán Ecuador thay đổi ông trùm WikiLeaks ra sao

Xuất hiện trong bộ dạng bơ phờ, nét mặt tuyệt vọng khi bị cảnh sát Anh lôi ra khỏi tòa nhà Đại sứ quán Ecuador ở London, ông trùm WikiLeaks Julian Assange đã không còn giữ được hình ảnh một nhà hoạt động bình tĩnh, tự tin, mạo hiểm 7 năm về trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN