Vì sao phe Dân chủ 'ngó lơ' nhượng bộ của Tổng thống Trump để mở cửa lại chính phủ

Tổng thống Donald Trump đã đơn phương đưa ra một đề xuất thỏa hiệp với đảng Dân chủ nhằm chấm dứt đóng cửa chính phủ. Nhưng bế tắc của ông với phe Dân chủ tại Quốc hội không có vẻ sẽ sớm đi đến một thỏa thuận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump đề nghị thỏa hiệp với phe Dân chủ nhằm mở cửa trở lại chính phủ nhưng không được hoan nghênh. Ảnh: Getty Images

Ngày 19/1, trong một tuyên bố được thông báo từ trước là "quan trọng" về bức tường biên giới và việc chính phủ đóng cửa, Tổng thống Trump đã chủ động đề xuất một thỏa thuận với phe Dân chủ.

Ông đề nghị sẽ bảo vệ tạm thời cho 700.000 người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ, còn được gọi là “Dreamers” (vốn được bảo vệ theo chương trình DACA) trong vòng ba năm không bị trục xuất khỏi Mỹ, cũng như đảm bảo cho khoảng 300.000 người nhập cư khác được hưởng quy chế Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) sắp hết hạn. Đổi lại, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục yêu cầu khoản ngân sách 5,7 tỉ USD cho việc xây dựng hàng rào bằng thép kéo dài hơn 390 km dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico, cùng với một số khoản ngân sách như 800 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo, 805 triệu USD cho công nghệ phát hiện ma túy và đề xuất tăng thêm 2.750 nhân viên biên giới.

Tuy nhiên Đảng Dân chủ không đặc biệt quan tâm đến những gì ông Trump đề xuất. "Các lãnh đạo Dân chủ đã không được hỏi ý kiến về đề xuất này và trước đây cũng từng từ chối các thỏa thuận tương tự", một phụ tá của lãnh đạo đảng Dân chủ nói với tờ Vox - "Rõ ràng đây là một sản phẩm đàm phán không nghiêm túc trong nội bộ Nhà Trắng nhằm cố gắng dọn dẹp mớ hỗn độn mà tổng thống tạo ra ngay từ đầu".

Chú thích ảnh
Nhân viên chính quyền liên bang phản đối đóng cửa chính phủ tại Chicago ngày 10/1/2019. Ảnh: /Getty Images

Thông báo của Tổng thống Trump được cho là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng nhận ra họ đang là bên thua cuộc trong mắt hầu hết người Mỹ và sẵn sàng thỏa hiệp để mở lại chính phủ. Nhưng phe Dân chủ cũng biết Nhà Trắng đang thua trong ván bài "đóng cửa chính phủ", và thỏa hiệp mà ông Trump vừa đưa ra là điều mà họ khó chấp nhận.

Cái lý đằng sau nhượng bộ của Tổng thống Trump là ông muốn bức tường, còn đảng Dân chủ muốn giúp đỡ người nhận DACA và TPS. Nhưng thỏa thuận này không phải là kết quả của các cuộc thương lượng với đảng Dân chủ. Nó được cho là sản phẩm của các cuộc thảo luận giữa Phó Tổng thống Mike Pence và con rể tổng thống Jared Kushner với các nghị sĩ Cộng hòa,, trong đó đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham .

Có ba lý do lớn lý giải tại sao nhượng bộ của Tổng thống Trump khó có thể hấp dẫn phe Dân chủ:

Thứ nhất, thỏa hiệp của Tổng thống là một ý tưởng không thể thành công vì nó vẫn kêu gọi rót tiền xây bức tường biên giới - lý do chính ngay từ đầu đã khiến chính phủ phải đóng cửa.

Đảng Dân chủ đã nhiều lần báo hiệu rằng có rất ít dư địa để đàm phán về vấn đề này. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thậm chí nói rằng bà sẽ không đồng ý tài trợ cho một công trình như vậy ngay cả sau khi chính phủ được mở lại.

Với phe Dân chủ, bất kỳ thỏa thuận nào đề cập đến một bức tường, hoặc một cái gì đó tương tự, sẽ là một viên thuốc rất khó nuốt ngay cả khi nó đảm bảo cho họ một số chiến thắng về chính sách.

Chú thích ảnh
Tranh cãi bức tường đang gây chia rẽ cả trong chính trường lẫn người dân Mỹ. Ảnh: AP

Chuyên gia Tara Golshan giải thích, đảng Dân chủ phản đối kịch liệt bức tường biên giới không nhất thiết vì họ phản đối các rào cản vật lý dọc biên giới, mà vì việc ủng hộ bức tường cũng giống như ủng hộ một trong những cam kết mà họ cho là "phân biệt chủng tộc" của ông Trump.

Thứ hai, cho đến nay, đảng Dân chủ đã từ chối đàm phán về an ninh biên giới chừng nào chính phủ chưa được mở cửa trở lại. Họ đã yêu cầu Tổng thống Trump chấm dứt việc đóng cửa chính phủ trước, sau đó mới ngồi xuống thương lượng.

"Những người Dân chủ của chúng tôi đang bực tức. Tất cả những gì chúng tôi muốn làm là mở cửa lại chính phủ", Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, TNS Dân chủ Chuck Schumer phát biểu.

Nếu đảng Dân chủ tuân thủ lập trường này, đề xuất của ông Trump sẽ thậm chí không được đưa ra để thảo luận cho đến khi chấm dứt đóng cửa chính phủ. Thực tế, cho đến chiều ngày 19/1 sau khi Tổng thống đã công bố thỏa hiệp, giới lãnh đạo đảng Dân chủ vẫn chưa tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ xuống thang.

Thứ ba, Đảng Dân chủ mất niềm tin với Tổng thống Trump khi nói đến bất kỳ loại thỏa thuận nào về chương trình DACA.

Chú thích ảnh
Người dân phản đối đóng cửa chính phủ. Ảnh: AP

Phần lớn sự không tin tưởng này bắt nguồn từ một nỗ lực tương tự để đàm phán về DACA gần như đúng một năm trước, khi TNS Schumer đề nghị ông Trump hơn 20 tỷ USD kinh phí xây bức tường biên giới để đổi lấy quyền công dân cho người nhận DACA. Vào thời điểm đó, Tổng thống thực sự tỏ ra cởi mở với đề xuất này và ông Schumer rất lạc quan.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau cuộc họp giữa hai bên, ông Trump đã bác bỏ đề xuất vì cho rằng kế hoạch này không đủ bảo thủ, để rồi cuối cùng kêu gọi Quốc hội xem xét một đề xuất khác có những hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với người nhập cư hợp pháp.

Mặc dù chưa được chấp nhận, nhưng đề xuất nhượng bộ của Tổng thống Trump rõ ràng sẽ gây áp lực lên đảng Dân chủ. Đề xuất này không nhất thiết phải thúc đẩy phe Dân chủ chấp nhận, nhưng lại tạo ra ấn tượng rằng Tổng thống đang cố gắng đàm phán, và trách nhiệm thuộc về đảng Dân chủ.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vì sao Tổng thống Trump lặng lẽ xoa dịu ‘nỗi đau’ chính phủ đóng cửa?
Vì sao Tổng thống Trump lặng lẽ xoa dịu ‘nỗi đau’ chính phủ đóng cửa?

Khi những ảnh hưởng của việc chính phủ đóng cửa đang ngày càng mở rộng, gây tổn thất nặng tới nền kinh tế Mỹ mỗi ngày, thì cái giá chính trị mà Tổng thống Trump phải trả trong cuộc đối đầu với đảng Dân chủ cũng tăng theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN