'Vũ khí bản năng' Tổng thống Trump sẽ dùng khi đàm phán với Triều Tiên

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra rất tự tin và sẵn sàng cho cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đàm phán bản năng

Ngày 7/6 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump cho biết ông không nghĩ rằng phải chuẩn bị gì nhiều cho hội nghị diễn ra vào ngày 12/6 tới. Khi được phóng viên hỏi ông đang làm gì để chuẩn bị cho hội nghị, ông nói hội nghị thể hiện “thiện chí để giải quyết các vấn đề” và khẳng định: “Tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng… Tôi cho rằng mình đã chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này từ lâu rồi và phía bên kia cũng vậy. Họ đã chuẩn bị từ lâu rồi. Vì thế đây không phải là vấn đề chuẩn bị. Đây là vấn đề mọi người có muốn điều đó xảy ra hay không. Và chúng ta sẽ biết rất sớm thôi”.

Tổng thống Trump cùng Ngoại trưởng Pompeo tiễn Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol (trái) bên ngoài Nhà Trắng ngày 1/6. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/6 cũng cho biết Tổng thống Trump đang được báo cáo gần như là hàng ngày về vấn đề Triều Tiên. Ông nói: “Hiếm có ngày nào tôi rời Phòng Bầu dục mà không nói về Triều Tiên. Suốt những tháng và ngày qua, Tổng thống Trump đã nghe báo cáo về vấn đề này, về khía cạnh quân sự, thương mại, kinh tế, lịch sử quan hệ”. Do đó, ông Pompeo cho rằng ông rất tự tin Tổng thống Trump sẽ chuẩn bị đầy đủ khi gặp phía Triều Tiên.


Tuy vậy, theo kênh CNN, một số cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump về Triều Tiên cũng lo ngại rằng ông Trump không tiếp thu nhiều những báo cáo, đánh giá từ cộng đồng tình báo Mỹ mà chỉ háo hức tới cuộc gặp dựa trên trực giác riêng.


Từ lâu, Tổng thống Trump đã coi mình hiểu biết về Triều Tiên nhờ kinh nghiệm kinh doanh trước đây ở châu Á. Ông cũng nói rằng mình hiểu về cá tính của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo một số nguồn tin, Tổng thống Trump nói với các phụ tá rằng ông sẽ để năng lực bẩm sinh trong đàm phán dẫn dắt mình khi gặp ông Kim Jong-un ngày 12/6.


Theo CNN, một số quan chức Nhà Trắng và đồng minh thân cận của Mỹ lo lắng về cách tiếp cận hội nghị thượng đỉnh theo lối tự do mà ông Trump đang định áp dụng. Nhiều người đã thúc giục Tổng thống Trump đi theo cách tiếp cận truyền thống hơn trong đàm phán.

Tổng thống Donald Trump (phải) gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/6. Ảnh: Getty

Trong chuyến thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump đầu năm 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi ông thành lập nhóm điều phối ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để điều phối chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và xây dựng quan điểm thống nhất.


Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã bác bỏ đề xuất. Thay vào đó, ông nói với Thủ tướng Abe rằng ông thích theo ý mình hơn khi chuẩn bị đàm phán và tin vào năng lực đàm phán của mình. Một nguồn tin cho biết các quan chức Nhật Bản “ngỡ ngàng” trước phản đối của Tổng thống Trump và lý lẽ của ông là để bản năng dẫn dắt chứ không cần chuẩn bị kỹ lưỡng.


Hoài nghi giới ngoại giao


Theo CNN, Tổng thống Trump vẫn hoài nghi lời khuyên từ các quan chức có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên. Ông thường tức giận khi hỏi tại sao vấn đề hạt nhân Triều Tiên không được giải quyết trước đây và hỏi tại sao lại phải nghe lời khuyên của họ khi mà chương trình hạt nhân của Triều Tiên từ trước tới nay chỉ có gia tăng.


Tổng thống Trump cũng tránh đa số các buổi thảo luận chuẩn bị cho hội nghị. Ngoại trưởng Pompeo, người gặp ông Kim Jong-un nhiều nhất trong số quan chức Mỹ, là một trong số ít người đã trực tiếp thảo luận với Tổng thống Trump về chiến lược thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận này chỉ diễn ra với mục đích duy trì sự quan tâm của Tổng thống.

Tổng thống Trump tin vào bản năng đàm phán trong cuộc gặp sắp tới với lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AP

CNN cho biết các phụ tá cũng bắt đầu sử dụng kỹ thuật tiết kiệm thời gian khi trình bày với Tổng thống về chương trình hạt nhân Triều Tiên bằng bản đồ và biểu đồ. Trước đây, hình thức trình bày này tỏ ra hiệu quả với Tổng thống Trump – người có thiên hướng thích hình ảnh đồ hoạ.


Các cố vấn của Tổng thống còn lo ngại ông sẽ bị nhà lãnh đạo Kim Jong-un “qua mặt” khi thảo luận các vấn đề kỹ thuật liên quan tới giải giáp chương trình hạt nhân.


Tuy nhiên, các lo ngại của cố vấn đều bị Tổng thống Trump gạt bỏ vì ông tin tưởng vào bản năng đàm phán của bản thân.


Kể cả công khai lẫn trong các cuộc gặp riêng, Tổng thống Trump đều nhấn mạnh ông đã sẵn sàng nhất để đạt một thỏa thuận hướng tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên và mang lại hòa bình trên bán đảo này. Ông cũng liên tục nhấn mạnh rằng nỗ lực trước đây trong đạt thỏa thuận với Triều Tiên bằng các đàm phán cấp thấp đã thất bại.


Theo CNN, bình luận của Tổng thống Trump ngày 7/6 có thể cho thấy ông định gặp ông Kim Jong-un theo cách tương tự mà ông sử dụng khi tiếp xúc với các lãnh đạo thế giới, tức là tập trung vào tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân giữa hai người. Ông cũng thường phân tích quan hệ của Mỹ với các nước khác qua lăng kính quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước đó. Ví dự như ông trân trọng quan hệ gần gũi với các lãnh đạo như Thủ tướng Nhật Bản Abe hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhưng lại giận dữ với Thủ tướng Đức Angela Merkel – người mà ông không mấy tiếp xúc.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Singapore có áp dụng 'ngoại giao hoa lan' với lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên?
Singapore có áp dụng 'ngoại giao hoa lan' với lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên?

Singapore thường sử dụng tên của các vị khách nổi tiếng đến thăm đảo quốc Sư tử này để đặt cho loài hoa lan đặc biệt. Do vậy, truyền thông khá tò mò liệu Singapore có áp dụng “ngoại giao hoa lan” với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong ngày 12/6 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN