152 du khách Việt nghi bỏ trốn tại Đài Loan sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 27/12, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Những “khách du lịch” bỏ trốn tại Đài Loan vừa qua sẽ phải chịu hình thức xử lý theo pháp luật Đài Loan về vi phạm nhập cảnh. 

Chú thích ảnh
Đại diện công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế (bìa trái) có buổi làm việc với Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết.

“Hình thức xử phạt có thể trục xuất, cấm nhập cảnh. Nếu thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo luật pháp nước sở tại”, ông Nguyễn Anh Thơm nói.

Trong mấy ngày qua, ngành lữ hành "xôn xao" trước thông tin 152 trong tổng số 153 người khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan (Trung Quốc) theo 4 đoàn vào ngày 21 và 23/12 đã mất tích và đang được nghi có dấu hiệu bỏ trốn. 

Theo luật sư Anh Thơm, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Mặt khác, hành vi này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Đại diện Văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho hay: Việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng đi du lịch rồi đưa các lao động trong nước xuất cảnh trái phép sang Đài Loan đã và đang diễn ra là khá phổ biến. Nhiều công ty đưa trái phép người lao động sang nước ngoài đã được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xử lý hành vi đưa 152 người đi du lịch rồi bỏ trốn tại Đài Loan, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài để đưa người dưới vở bọc “khách đi du lịch” rồi ở lại bất hợp pháp.

Hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự 2015.

Theo thông tin mới nhất của phóng viên báo Tin tức, Đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM đã tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Công ty TNHH Thương mại Du lịch kỳ nghỉ Quốc tế- công ty cung cấp dịch vụ visa cho 152 du khách Việt "mất tích" tại Đài Loan.  Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế có trụ sở tại Phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Minh Phương/Báo Tin tức
Vụ 152 du khách 'mất tích' tại Đài Loan: Tạm giữ giấy phép kinh doanh của công ty làm visa
Vụ 152 du khách 'mất tích' tại Đài Loan: Tạm giữ giấy phép kinh doanh của công ty làm visa

Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế (công ty cung cấp dịch vụ visa cho 152 du khách Việt "mất tích" tại Đài Loan)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN