Bản án sau ly hôn đã hợp lý?

Bị bạo lực gia đình, bị đánh đuổi khỏi ngôi nhà mà bản thân cũng đóng góp công sức tạo dựng, sau khi ly hôn, chị Nguyễn Thị Hạnh và 3 đứa con nhỏ đã phải đi ở thuê.

Mâu thuẫn gia đình

Ngày 28/8/2018, Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ đưa vụ án ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Hạnh và anh Nguyễn Văn Vụ ra xét xử với việc giao lại thửa đất 180m2 và 235 m2 cho người chồng quản lý và phần của người vợ sẽ được chia một nửa dựa trên giá đất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Mảnh đất 180 m2 tranh chấp sau ly hôn

Tuy nhiên, chị Hạnh cho rằng việc phân chia này chưa hợp lý bởi đây là nguồn gốc tài sản do hai người cùng làm nên. Theo đó, năm 2005, chị Nguyễn Thị Hạnh và anh Nguyễn Văn Vụ sống với nhau như vợ chồng. Năm 2006, anh chị có con chung. Năm 2010, hai người làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Theo trình bày của chị Hạnh, năm 2007, hai người mua lại mảnh đất bằng giấy viết tay. Năm 2011 họ xây dựng nhà trên mảnh đất ở khu Cổng Gạch, thôn Nghĩa Phượng, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Trong quá trình chung sống, hai người nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Anh Vụ nhiều lần đánh đập gây thương tích cho chị, đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà.

Năm 2015, anh Vụ đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà đưa một người phụ nữ khác là chị Đoàn Thị Quy về nhà mình chung sống như vợ chồng. Thậm chí, khi chị không còn chỗ ở phải quay về nhà bố mẹ đẻ, anh Vụ còn viết thư nói xấu chị Hạnh rồi đem về nơi bố mẹ chị sinh sống để rải.

Năm 2017, sau nhiều lần lục đục, chị Hạnh đã viết đơn xin ly hôn. Bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phụng Châu thừa nhận có nhận được đơn tố cáo của chị Hạnh về việc bị bạo hành và đã cùng với chính quyền hòa giải. Tuy nhiên, do mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không hòa hợp được nên đã ly thân và ly dị.

Muốn có chỗ định cư cho con

Tài sản chung của hai người, theo trình bày của chị Hạnh gồm một mảnh đất 180m2 cùng với nhà ở tại khu Cổng Gạch, thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội). Đây cũng chính là ngôi nhà mà cả gia đình chị vẫn sinh sống trước khi xin ly hôn. Ngoài ra, chị Hạnh yêu cầu chia tài sản chung là thửa đất nông nghiệp 235m2 tại khu Cổng Gạch, thôn Phượng Nghĩa để chị có đất canh tác.

Tại Tòa án, anh Vụ bác bỏ yêu cầu chia ba khối tài sản cho chị Hạnh. Với mảnh đất có nhà ở (180m2), anh Vụ lý giải là những giao dịch nói trên bằng tiền riêng của anh không liên quan đến chị Hạnh. Theo tài liệu UBND xã đã cung cấp tài liệu cho HĐXX. Theo đó, về mặt quy hoạch, mảnh đất thuộc diện tích đất nông nghiệp. Hiện không có cá nhân nào có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. UBND xã thừa nhận anh Vụ và chị Hạnh là những người đang sử dụng thực tế.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng mảnh đất đi liền với ngôi nhà là đất nông nghiệp, thuộc quyền quản lý của UBND xã Phụng Châu, nhưng đại diện VKS lại đề nghị tạm giao cho anh Vụ quản lý.

Tương tự như vậy với mảnh đất được coi là tài sản thứ hai, mặc dù được coi là tài sản chung của 2 vợ chồng, nhưng đại diện cơ quan này vẫn đề nghị giao cho anh Vụ quản lý sử dụng với lý do “anh Vụ đã đào ao”. Trên thực tế, hành vi “đào ao” đã bị UBND xã lập biên bản xử lý vì anh Vụ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Do đó, với mảnh đất 180 m2, HĐXX cho rằng “Khi nào chị Hạnh có đủ căn cứ chứng minh toàn bộ diện tích đất trên là tài sản chung của vợ chồng thì chị Hạnh có quyền khởi kiện bằng vụ án khác về việc chia tài sản chung sau ky hôn”... Với mảnh đất nông nghiệp thứ hai, HĐXX nhận định là tài sản chung của vợ chồng anh Vụ chị Hạnh. Tuy nhiên, với lý do “thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa nên không chia nhỏ, cần giữ nguyên”. Mặt khác, vì chị Hạnh có nhu cầu được “chia bằng hiện vật để có đất canh tác” nhưng chính chị cũng thừa nhận “ruộng bị trũng, không canh tác trồng lúa được”, nên HĐXX quyết định giao cho anh Vụ tiếp tục quản lý sử dụng, anh Vụ có nghĩa vụ thanh toán phần giá trị tài sản cho chị Hạnh.

Vậy là sau bản án của TAND huyện Chương Mỹ, mẹ con chị Hạnh chính thức mất chỗ ở. Toàn bộ tài sản được định giá, HĐXX yêu cầu anh Vụ thanh toán cho chị chỉ hơn 50 triệu đồng.

Chị Hạnh cho biết, từ khi bị chồng đuổi đánh khỏi nhà, mẹ con chị thuê trọ và làm thuê tại Hà Đông. Tòa án giao cho chị nuôi 2 con nhỏ, con lớn ở với anh Vụ. Tuy nhiên, thực tế cháu vẫn về ở với chị và chị nuôi dưỡng chăm sóc.

Chuyên viên tư vấn luật Nguyễn Đại Hải, Công ty Luật Fanaci, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Nguyễn Thị Hạnh tại phiên tòa cho rằng theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định: Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi lý hôn trong đó có khoản 2, điểm d, ghi rõ: Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng cũng là một trong những yếu tố được tính toán đến khi chia tài sản chung. Do đó tài sản được chia công bằng, việc định giá theo giá đất nông nghiệp khiến mẹ con chị Hạnh không có chỗ ở, thiệt thòi lớn về tài sản.

 

Phạm Linh/Báo Tin tức
Giáo dục về phòng cháy chữa cháy theo từng nhóm đối tượng
Giáo dục về phòng cháy chữa cháy theo từng nhóm đối tượng

Hưởng ứng Tháng Phòng chống cháy nổ 2018 (tháng 10), nhiều hoạt động diễn tập phòng chống cháy nổ đã được tổ chức tại các địa bàn đông dân cư của Hà Nội, các trường Đại học...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN