Khẩn cấp bảo vệ giáng hương cổ thụ

Để những cây giáng hương hàng trăm năm tuổi không bị xóa sổ khỏi những cánh rừng tự nhiên ở huyện Kbang (Gia Lai) thì việc bảo vệ đang đặt ra cấp thiết, quyết liệt hơn bao giờ hết.

Theo thông tin phản ánh của người dân, đi theo một con đường mòn xuống sông Ba, ngay bờ sông, chúng tôi đã thấy một số hộp gỗ hương và cả thân cây đường kính khoảng 40 cm được “lâm tặc” giấu dưới nước chưa kịp tẩu tán. Cách khoảng 500 m so với đường đi vào khu nhà đầm La Hách là nhiều cây giáng hương bị cưa, chặt nằm rải rác. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 300 m, có tới 5 cây giáng hương đã bị đốn hạ. Có những cây vừa bị chặt, gốc vẫn còn màu đỏ quạch xen lẫn mùi thơm đặc trưng của gỗ hương.

Một cây gỗ hương cổ thụ ở khoảnh 6, tiểu khu 90 bị "lâm tặc" chặt hạ trái phép.

Một trong 2 cây giáng hương cổ thụ vừa bị “lâm tặc” đốn hạ, ở khoảnh 6, tiểu khu 90 thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý có đường kính chừng 5 người ôm, vẫn còn ứa những dòng nhựa đỏ tươi. Bên cạnh đó là thân cây dài hơn 20 m đã đổ rạp.

Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, vào lúc 3 giờ ngày 9/9, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn trên lâm phần, nhân viên thuộc Đội bảo vệ rừng của công ty phát hiện có tiếng cưa máy và dấu hiệu vận chuyển gỗ bằng xe máy đi qua hướng làng Srắt, xã Sơn Lang. Trước sự việc trên, công ty đã báo cho Tổ liên ngành tổ chức lực lượng kiểm tra. Sau kiểm tra, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện một cây giáng hương cổ thụ có đường kính 90 cm bị đốn hạ, các đối tượng đã xẻ thành lóng, hộp và đã vận chuyển khỏi hiện trường.

Từ nguồn tin của người dân trên địa bàn, lực lượng chức năng đã truy đuổi và thu giữ 4 hộp gỗ hương, khối lượng gần 1,2 m3. Ước tổng khối lượng gỗ thiệt hại là gần 7 m3. Tiếp tục mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một cây giáng hương khác cũng đã bị chặt hạ nhưng “lâm tặc” chưa kịp xẻ thành lóng, hộp. Cây giáng hương cổ thụ này có đường kính 1,2 m và dài hơn 20 m, ước khối lượng thiệt hại hơn 23 m3. Ngày 16/9, cơ quan điều tra Công an huyện KBang đã ra quyết định khởi tố vụ án. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Anh Huyện (còn gọi là Phúc, sinh năm 1987, trú tại thi trấn KBang) đã ra đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Cùng với Nguyễn Anh Huyện còn có 6 đối tượng liên quan khác cũng đã ra đầu thú. Công an huyện KBang đang tạm giữ đối tượng Nguyễn Anh Huyện và tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

Theo ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa: Hơn 300 cây giáng hương cổ thụ đang nằm rải rác trong diện tích rừng hơn 8.000 ha, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 16 người, trung bình 2 người bảo vệ 1.000 ha là quá mỏng không thể kiểm soát hết. Hơn nữa, chưa có các chế độ hỗ trợ cũng như chế tài đặc thù nào cho lực lượng bảo vệ rừng của công ty nên công tác bảo vệ rừng rất khó khăn.

Cho biết về phương án bảo vệ rừng, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện KBang khẳng định: “Huyện đã có nhiều biện pháp bảo vệ rừng thiết thực từ quản lý cư trú đối với các đối tượng ngoài địa bàn, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng. Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện đã giảm nóng tình trạng phá rừng nhưng thực trạng vẫn âm ỉ, nhức nhối”.

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ chặt phá cây giáng hương, tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 4351 về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng phương án quản lý, bảo vệ những cây giáng hương cổ thụ còn sót lại ở huyện KBang. Theo đó, về lâu dài, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, huyện KBang và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa tiến hành kiểm tra thực tế và xây dựng phương án cụ thể để quản lý bảo vệ chặt chẽ số cây giáng hương còn lại.

Bài toán bảo vệ những cây giáng hương cổ thụ ở huyện KBang đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải. Thời gian tới, nếu tỉnh Gia Lai không sớm có phương án cụ thể, quyết liệt thì những cây giáng hương cổ thụ còn lại sẽ có nguy cơ bị xóa sổ khỏi những cánh rừng ở KBang.
Bài và ảnh: Hoài Nam
Đắk Nông vẫn tồn tại "điểm nóng" phá rừng
Đắk Nông vẫn tồn tại "điểm nóng" phá rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, sau 9 tháng triển khai lực lượng chức năng của tỉnh và các chủ rừng đã ngăn chặn được 7 "điểm nóng" về phá rừng, nhưng vẫn còn tồn tại 4 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN