Sai phạm xây dựng vẫn “nhờn thuốc”

Vài năm trở lại đây, vi phạm về trật tự xây dựng đang trở thành một trong những hạn chế nổi cộm cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực trật tự văn minh đô thị vẫn tồn tại những vụ việc vi phạm theo kiểu “xây dựng trước, cấp phép sau” bất chấp quy định của pháp luật và dường như các cơ quan quản lý cũng “bất lực”.

Coi thường pháp luật

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) xuất hiện nhiều “điểm nóng” về trật tự xây dựng cần phải xử lý triệt để. Dự án FLC Green Home (18A Phạm Hùng) do Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Magnus Capital làm chủ đầu tư. Thời điểm lực lượng thanh tra xây dựng làm việc, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng đơn vị đã xây xong phần móng. Căn cứ các sai phạm, từ tháng 12/2015, UBND quận đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn 60 ngày. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành các quyết định xử phạt của quận, vẫn tiếp tục xây dựng. Đến ngày 24/3/2016, quận buộc phải ra Quyết định số 1085/QĐ - CC cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; giao UBND phường lên kế hoạch cưỡng chế, trình quận phê duyệt.

Trước áp lực trên, cuối tháng 3/2016, chủ đầu tư mới dừng hoàn toàn mọi hoạt động thi công. Lấy lý do mất nhiều thời gian hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đề nghị quận hoãn việc thi hành quyết định cưỡng chế và cam kết chỉ thực hiện việc thi công khi có giấy phép.

Dư luận không chỉ bức xúc với sai phạm tại dự án trên, dự án FLC Garden City của Công ty cổ phần địa ốc Alaska - một trong những công ty con cũng thuộc Tập đoàn FLC, 2 năm qua vẫn ngang nhiên xây dựng không phép, trong khi quận phải nhiều lần ra quyết định xử phạt vi phạm, đình chỉ thi công. Hay tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện công trình xây dựng tại số 12BT6 (do Chủ tịch Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư) xây dựng không đúng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quận đã yêu cầu phường và Đội Thanh tra xây dựng lập hồ sơ đề xuất biện pháp xử lý vi phạm.

Cũng trong tình trạng tự ý triển khai xây dựng công trình khi chưa có giấy phép, dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ văn phòng và nhà ở (16 Phạm Hùng) hay dự án Tòa nhà đa năng Đức Phương (99 Trần Bình) trên địa bàn phường Mỹ Đình 2 hiện cũng phải dừng thi công, chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép xây dựng.

Ngoài các dự án nêu trên, phường Mỹ Đình 2 còn có 6 - 7 công trình nhà dân quy mô lớn cũng sai phạm về trật tự xây dựng bị đình chỉ thi công từ 2 năm. Tuy nhiên, theo Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm Chu Minh Đức, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của những công trình này một phần do bất cập trong công tác quản lý nhà nước, nhất là ở thời điểm giao thoa từ cấp huyện chuyển lên quận. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, quận đã vào cuộc quyết liệt. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản cho phép điều chỉnh chiều cao một số công trình, yêu cầu chủ đầu tư xin cấp phép bổ sung.
Cần rút ngắn thời gian cấp phép

Vấn đề đặt ra là có hay không việc chính quyền sở tại cũng như lực lượng chức năng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động xây dựng nên để xảy ra các vi phạm phổ biến, không xử lý kiên quyết ngay từ khi phát sinh?

Ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm khẳng định, quận đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, song quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập, vướng mắc. Ngoài yếu tố chủ quan từ phía cơ quan chức năng còn có những lý do đến từ thể chế, nhất là chính sách và quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Cũng từ thực tế tại địa phương, ông Cường cho biết, trước đây, đội ngũ thanh tra xây dựng do quận quản lý thì công tác chỉ đạo tại các cấp cơ sở rất sát sao, quy được trách nhiệm rõ ràng. Khi đưa về Sở Xây dựng quản lý, mặc dù phân cấp rõ ràng, đảm bảo tính độc lập khi xử lý vi phạm nhưng đôi khi mất nhiều thời gian trong việc báo cáo, xử lý.

Ông Cường cho rằng, luật khó thay đổi, chỉ mong muốn có cơ chế đặc biệt đưa thanh tra xây dựng về quận quản lý nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ; đồng thời cần tăng cường thẩm quyền cho lực lượng này để trực tiếp xử lý vi phạm. Bởi hiện nay, ở cấp phường lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết sai phạm; trong khi đó, 40 - 50 cán bộ thanh tra xây dựng chỉ có chức năng phát hiện, kiểm tra, lập biên bản, chuyển cấp chính quyền xử lý. Do vậy, cần quy hẳn trách nhiệm xử lý, giám sát xử lý đối với thanh tra xây dựng, phối hợp với phường giải quyết thì mới hiệu quả.

Đề cập đến bất cập trong hoạt động thanh tra xây dựng, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Chu Minh Đức khẳng định, thanh tra xây dựng có trực thuộc chính quyền hay sở mà không phân quyền hạn rõ ràng thì không thay đổi được tồn tại hiện nay. Thanh tra xây dựng hiện không có quyền hành gì cả ngoài việc kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị chính quyền xử lý.

Để khắc phục tình trạng xây dựng không phép, sai phép cũng như hiệu quả của vấn đề xử lý vi phạm, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận đề nghị các ngành chức năng lồng ghép đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án. Thực tế, rất nhiều dự án vi phạm chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng, trong khi thành phố chấp thuận đầu tư, quy hoạch và phương án thiết kế cũng được phê duyệt.

Dẫn chứng sự “đột phá” về cải cách thủ tục hành chính tại Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Huy Cường cho biết, không còn cách nào khác, quận đã chủ động giảm từ 15 ngày làm việc xuống còn 8 ngày, tránh được thời gian tiếp tay gián tiếp cho sai phạm.
Minh Nghĩa
Giải quyết khiếu nại về sai phạm xây dựng chung cư 93 Lò Đúc
Giải quyết khiếu nại về sai phạm xây dựng chung cư 93 Lò Đúc

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tiếp công dân thuộc chung cư tòa nhà 93 Lò Đúc, Hà Nội để giải quyết các khiếu nại xung quanh việc xây dựng tòa nhà này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN