Iran không muốn thương lượng với Mỹ về thỏa thuận hạt nhân

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 16/5 cho biết ông không quan tâm tới việc thương lượng với Washington, sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký năm 2015 với các cường quốc, và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với phóng viên ở Tokyo về việc liệu ông có sẵn sàng đàm phán song phương nhằm xoa dịu căng thẳng, Ngoại trưởng Zarif đáp: "Không. Không có khả năng tiến hành các cuộc thương lượng". 

 Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố khi đang thực hiện chuyến thăm Nhật Bản trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ sau khi Iran ngày 8/5 tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện, một động thái được cho là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái. Đáp lại, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Vịnh. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Zarif ngày 16/5 đã có cuộc hội kiến Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn Iran tiếp tục thực thi JCPOA, đồng thời khẳng định Nhật Bản và Iran có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Tokyo mong muốn sẽ duy trì và phát triển mối quan hệ này. 

Thủ tướng Abe cũng bày tỏ sự quan ngại trước tình hình căng thẳng hiện nay tại Trung Đông, trong đó có việc Mỹ cử tàu sân bay hạt nhân và máy bay ném bom tới Trung Đông, trong khi Iran tuyên bố ngừng tuân thủ một phần thỏa thuận JCPOA. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Abe đề nghị Iran tiếp tục thực thi thỏa thuận JCPOA.

Về phần mình, Ngoại trưởng Zarif cũng khẳng định quan hệ đối tác với Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng với Iran. Trước đề nghị của Thủ tướng Abe, Ngoại trưởng Zarif cho rằng các biện pháp đối phó của Iran với Mỹ không vượt quá phạm vi thỏa thuận hạt nhân JCPOA. 

Trước đó, phát biểu tại Hạ viện Nhật Bản, Thủ tướng Abe cho biết rất lo ngại trước tình hình căng thẳng tại khu vực xung quanh eo biển Hormuz, tuyến đường biển quan trọng cung cấp năng lượng của Nhật Bản. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho rằng hòa bình và ổn định tại Trung Đông có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình thế giới và kinh tế toàn cầu, Trung Đông là khu vực có ý nghĩa sống còn với an ninh năng lượng của Nhật Bản, do đó sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình tại đây. Tuy nhiên, ông Abe cho biết chưa tính tới phương án gửi quân tới vùng biển Hormuz. 

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Washington cho rằng Thụy Sĩ, nước từng đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Iran, có thể một lần nữa phát huy vai trò này nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer ngày 16/5 sẽ có chuyến thăm Mỹ không báo trước để gặp Tổng thống Donald Trump. 

Cuộc gặp này trái với thường lệ khi nguyên thủ một quốc gia đến Washington nhưng không thông báo trước. Do đó, các nhà phân tích tại Washington cho rằng cuộc gặp không được công bố này sẽ tập trung vào làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Theo Nhà Trắng, "hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và Thụy Sỹ, bao gồm một số vấn đề như vai trò của Thụy Sỹ trong thúc đẩy quan hệ ngoại giao và các vấn đề quan hệ quốc tế khác".

Minh Châu - Hồng Hà - Công Đồng (TTXVN)
Iran tuyên bố không thay đổi công suất của các máy ly tâm làm giàu urani
Iran tuyên bố không thay đổi công suất của các máy ly tâm làm giàu urani

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEO) cho biết nước này không có kế hoạch khởi động những máy ly tâm có thể làm giàu urani với công suất cao hơn cũng như không có ý định thay đổi quan hệ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN