Nếu Mỹ không còn là thành viên, NATO sẽ chịu thiệt hại thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một vài lần âm thầm xem xét khả năng Mỹ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chú thích ảnh
NATO cần từ 15-20 năm mới khôi phục lại năng lực quốc phòng của tổ chức trong trường hợp Mỹ rời khỏi tổ chức. Ảnh: US Army Europe

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump nhiều lần công khai đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả của liên minh NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như chỉ trích các đồng minh vì họ không thực hiện đúng theo cam kết ngân sách quốc phòng mà NATO đặt ra.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, hành động đột ngột rút khỏi NATO của Mỹ sẽ khiến các thành viên còn lại thiệt hại 357 tỷ USD và cần một khoảng thời gian từ 15-20 năm mới khôi phục lại năng lực quốc phòng của tổ chức.

Nghiên cứu được Bộ Ngoại giao Đức tài trợ chỉ ra rằng các thành viên cần phải mua thêm vũ khí, máy bay, tàu chiến để bảo vệ an ninh NATO.

Nghiên cứu đề cập tới hai kịch bản vào đầu những năm 2020 khi Mỹ rút khỏi NATO. Trong kịch bản đầu tiên, các quốc gia châu Âu cần phải thay thế các phương tiện hải quân của Mỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của đồng minh tại các vùng biển quốc tế. Theo tính toán của các chuyên gia, các thành viên NATO còn lại cần 94-110 tỷ USD để mua thiết bị mới, trong đó chi 20-31 tỷ USD mua 12 tàu chiến, và 19-21 tỷ USD cho khu trục hạm trang bị tên lửa phòng không tân tiến.

Kịch bản thứ hai cho thấy sẽ bùng nổ một cuộc chiến tranh trên mặt đất với Nga trong trường hợp căng thẳng giữa Litva và Ba Lan ở khu vực Kaliningrad leo thang. Lúc này, ngân sách chi tiêu thậm chí cao hơn, dao động từ 288 đến 357 tỷ USD cho việc mua thiết bị, bao gồm 78 tỷ USD mua 90 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến và máy bay.

IISS nhấn mạnh rằng chi phí này không bao gồm một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu, mà chỉ là một cuộc chiến tranh khu vực hạn chế, trong đó NATO có thể thắng thế trước một đối thủ ngang hàng như Nga.

Báo cáo không chỉ rõ nguyên nhân thực sự khiến Nga tấn công các nước láng giềng song thông tin trong nghiên cứu luôn xoay quanh quốc gia này. Nga được đề cập 220 lần trong tài liệu 51 trang.

Moskva  nhiều lần khẳng định họ không có ý định xâm chiếm bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, Nga tố cáo chính NATO mới là tác nhân khiến khu vực biên giới với Đông Âu luôn căng thẳng trong 20 năm qua.

Trong phần kết luận, nghiên cứu của IISS nhấn mạnh tầm quan trọng mà Mỹ đóng góp cho năng lực phòng thủ NATO. 

Nỗi lo ngại của giới chức NATO về việc Mỹ có thể rút khỏi liên minh quân sự ngày một dâng cao sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành tổng thống.

Đầu năm nay, báo New York Times đưa tin trong năm 2018, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần nêu vấn đề rút Mỹ khỏi NATO với các quan chức cấp cao. Nhà Trắng gọi thông tin trên là “vô nghĩa và không chính xác”, nhấn mạnh sự cam kết của Mỹ đối với liên minh là “cực kỳ bền chặt”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Thổ Nhĩ Kỳ 'xoa dịu' NATO về thương vụ S-400 với Nga
Thổ Nhĩ Kỳ 'xoa dịu' NATO về thương vụ S-400 với Nga

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara đang cân nhắc những quan ngại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN