Quân đội Azerbaijan tập trận quy mô lớn

Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo quân đội này ngày 11/3 đã bắt đầu một cuộc tập trận quy mô lớn, động thái mà phía Armenia cho là "đe dọa" trước thềm cuộc đàm phán được lên kế hoạch từ trước giữa lãnh đạo hai nước liên quan khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh.

Trong thông báo, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết: "Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các đơn vị quân đội sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm chuẩn bị một chiến dịch tấn công nhằm vào kẻ thù thông thường". Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày này sẽ có sự tham gia của 10.000 lính, 500 xe tăng và xe bọc thép, 300 đơn vị pháo binh-tên lửa cùng 20 máy bay chiến đấu. 

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Armenia cho rằng cuộc tập trận "không giúp kiến tạo bầu không khí thuận lợi cho hòa bình", đồng thời nhấn mạnh Yerevan sẽ không chấp nhận đối thoại diễn ra "dưới nòng súng".

Cuộc tập trận diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch từ trước giữa tân Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, đánh dấu cuộc tiếp xúc trực tiếp lần đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, thời gian diễn ra cuộc gặp chưa được ấn định.

Azerbaijan và Armenia vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới Nagorny Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người Azerbaijan, phải lánh nạn. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn xem Karabakh như là một phần lãnh thổ của Azerbaijan và không một quốc gia nào trên thế giới công nhận Karabakh là một quốc gia độc lập. Là một quốc gia giàu năng lượng và có chi tiêu quân sự còn cao hơn cả ngân sách nhà nước của Armenia, Azerbaijan đã nhiều lần cảnh báo sẽ lấy lại vùng Karabakh bằng vũ lực. Tuy nhiên, Armenia tuyên bố sẽ đập tan bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Mỹ tuyên bố sẽ tập trận hải quân cùng ASEAN trong năm 2019
Mỹ tuyên bố sẽ tập trận hải quân cùng ASEAN trong năm 2019

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson ngày 7/3 đã khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực và cho biết sẽ tổ chức tập trận cùng hải quân các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN