Hạt lúa của mẹ

Mẹ tôi làm nông, quanh năm bươn bả, gò lưng trên đồng cạn, lặn lội dưới đồng sâu. Trên người mẹ lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng.

Khi thì sợi rơm khô trên tóc, lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc, móng tay móng chân đọng lại màu vàng vàng của phèn. Lưng áo luôn mướt mồ hôi, trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, mẹ đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của sự tảo tần, chịu thương chịu khó.

Tôi thích ngắm khuôn mặt đôn hậu, đôi gò má sạm đen lấp ló dưới nắng trưa sau vành nón lá của mẹ. Và tôi đặc biệt tự hào mỗi khi nghe người trong xóm trầm trồ: “Má tụi bây làm lở núi lở non !”. Người ta nói vậy vì có một quãng mấy năm, ba tôi vắng nhà. Nước non, phân giống, cày bừa, gieo sạ, gồng gánh, rạ rơm… một mình mẹ làm hết.

Tôi nhớ những buổi trời đông lạnh quéo quắt, mẹ ra đồng cuốc góc, chải bờ, chiều sẽ đem về một giỏ cua đặng nấu với đu đủ nêm lá gừng cho chị em tôi. Mùa đông, được ăn món canh ấy do chính tay mẹ nấu là tuyệt nhất. Tôi và bé Út cứ lom lom nhìn mấy con cua bò lổm ngổm trong giỏ mà không hay, đôi tay mẹ dày lên, chai sần nhưng vẫn bị cua kẹp tướm máu. Đó là hậu quả của việc mẹ ráng bắt những con cua to, đem những cái càng béo múp về cho chị em tôi.

Rồi những đêm trăng, mẹ đi cắt lúa lấy công sáng đêm. Chị em nằng nặc xin theo, mẹ không cho, bảo ở nhà học. Còn nữa, sau mùa gặt, mẹ tôi sẽ đi mót lúa. Thức trắng đêm, mẹ đi giũ rơm, nhặt lại từng hạt lúa sót. Tôi cũng theo mẹ ra đồng… nhưng không phải đi mót lúa mà là đi... chơi. Tôi cực thích cánh đồng sau mùa gặt, thích lùng trong những đám rạ mới đốt, tìm những hạt lúa nở bung, tách vỏ trấu và cho vào miệng, thơm lừng. Và nếu có gặp một đống rơm của ai đó chưa dọn thì càng mừng hơn nữa. Nằm lăn lộn trên rơm, phủ lấp lên đầu lên bụng chơi trò trốn tìm. Đằng nào cũng bị mẹ cốc đầu vì ban ngày chơi với rơm, đêm về xót ngứa khó ngủ. Tôi bảo thích chơi với rơm, mẹ dạy, chơi với rơm thì nhớ khiêm tốn, hiền lành như một cọng rơm.

Con gái ra đồng, lội rạ nghịch rơm, còn mẹ? Đi hết đám ruộng này đến đám ruộng khác, tìm trong những gốc rạ gié lúa còn vương vãi, nhặt những hạt lúa rơi rụng trên kẽ đất. Lúa nhà làm, hạt tròn mẩy thì bán lo tiền học, lo chạy chợ, còn lúa mót có lẫn nhiều cát sạn thì để lại ăn. Cả nhà bưng chén cơm, thi thoảng gặp hạt sạn to, vẫn ăn rất ngon lành - vì đó là mồ hôi của mẹ.

***

Tôi đi học xa nhà, thi thoảng đem bạn về chơi, bắt gặp cảnh mẹ đi mót lúa. Thấy mất mặt với bạn bè, tôi năn nỉ mẹ đừng đi nữa. Mẹ vẫn vui vẻ xách thúng ra đồng. Mẹ bảo, mỗi hạt lúa là mỗi hạt mồ hôi, phải nhặt cho bằng hết.

Tôi đi dạy và lấy chồng, vợ chồng công chức, ruộng không có một sào. Tuy không giàu sang nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu. Mặc dù vậy, lần nào lên thăm, mẹ cũng mang gạo cho. Vợ chồng áy náy “la”, nhưng mẹ bảo: Mẹ làm nông nên lúa rất nhiều, con gái đi mua gạo ăn, coi sao được!

Mẹ tôi đấy, cả đời chắt chiu dành dụm từng hạt lúa cho con...
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Bước đột phá trong việc nuôi dạy con
Bước đột phá trong việc nuôi dạy con

Cuốn sách “Bước đột phá trong việc nuôi dạy con” của tác giả Merrilee Browne Boyack - dịch giả Huyền Trang biên dịch, do NXB Văn học ấn hành là “cẩm nang” giúp các bậc cha mẹ có thể nuôi dạy con mình thành những đứa trẻ độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN