Nhớ dàn hợp xướng đồng quê

Ai được lớn lên sau lũy tre làng, được nghe tiếng hót diệu kỳ của chim chóc, sẽ thấy mình thật may mắn, bởi đó là dàn hợp xướng đồng quê vô cùng thú vị!

Mấy chục năm trước, chim chóc quê tôi nhiều vô kể. Sáng tinh mơ, xóm thôn không chỉ rộn rã, đầm ấm tiếng gà gáy mà còn ríu rít tiếng hót của các loài chim. Từ chào mào, sáo sậu cho đến chích chòe than, chích chòe lửa, chim ngói, họa mi, khiếu, chim sẻ, chim gáy, vẹt… sống thành một quần cư hòa hợp nơi hốc cây, ngọn tre, bãi sú, vẹt hay trên ngọn những cây đa, cây gạo cổ thụ. Mỗi sáng đến trường, từ xa đã nghe tiếng chim lảnh lót trên ngọn cây gạo sừng sững ngay đầu làng. Khi mặt trời vừa thức giấc, rọi những tia nắng đầu tiên xuống cánh đồng, cũng là lúc từng đàn chim chao liệng, thả xuống không gian tiếng hót cao vút. Mùa gặt, đâu đâu cũng rộn tiếng chim cu gáy. Mỗi loài một vóc dáng với những bộ lông hay tiếng hót khác nhau, nhưng tất cả đều đáng yêu, đều mang lại sự thanh bình, an lành cho cuộc sống.

Mỗi loài chim lại có tiếng hót hay riêng. Chào mào có cái mào rất điệu đà, thân hình nhỏ nhắn, tiếng hót nhẹ nhàng, khoan thai. Hót hay nhất phải kể đến chích chòe cau (gọi như vậy vì chúng hay làm tổ trên ngọn cau). Trước sân nhà tôi có hàng cau cao vút, lũ chích chòe kéo đến làm tổ. Ông tôi bảo: “Đất lành chim đậu!”. Chúng đã trở thành một phần cuộc sống của gia đình tôi. Sáo nâu hay con gọi là sáo sậu hót luyến láy nhanh, điêu luyện khiến ai nghe cũng thấy lòng phấn chấn, vui vẻ. Thế mới có câu ví: "Vui như sáo sậu".

Một thằng bạn trong xóm kỳ công mấy năm mới nuôi được con sáo đen( sáo trâu). Nó coi sáo như người bạn thân thiết. Tôi nhớ mãi hình ảnh chú sáo đậu trên vai chủ theo ra đồng rồi tha thẩn trên lưng trâu bắt ve hay rận. Đó là hình ảnh in đậm dấu ấn tuổi thơ trẻ quê.

Khiếu bạc má, khiếu mun có vóc dáng vạm vỡ, dâng hiến cho đời một giọng hót khỏe khoắn, mạnh mẽ và trường khoát. Bạn thân thiết của nhà nông là loài chim sâu có màu lông xanh lá mạ rất đẹp, thân nhỏ xíu như chiếc kén tằm, chân bằng que tăm, nhưng giọng hót tíu tít hay không kém các "đàn anh" và rất chăm chỉ bắt sâu.

Đêm tối buông dần, dàn hợp xướng lại có những âm thanh quyến rũ khác. Lũ ếch nhái hòa vào bản hợp xướng đáng yêu ấy một giọng trầm. Từ ao chuôm, rãnh nước sau vườn cho đến khắp cánh đồng, bãi lau, đâu đâu cũng nghe tiếng chúng thi nhau ộp oạp, ộp oạp... Nhất là những ngày hè, sau trận mưa rào, lũ "gà đồng" say sưa bản tình ca muôn thuở. Những người soi ếch cứ theo tiếng phát ra ấy mà đến bắt. Đúng là "Ếch chết tại miệng". Trên cánh đồng, từ cuối xuân cho đến hết hạ, chim cuốc "hót" không biết mệt, cứ ra rả "Quắc...Quắc..." khắc khoải thâu đêm suốt sáng đến gầy rạc đi. Lại nhớ lời thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua Đèo Ngang).

Làng tôi gần sông Văn Úc hiền hòa. Rừng sú vẹt không chỉ là bức tường chắn sóng, ngăn mặn hữu ích, mà còn là nơi trú ngụ yên bình của cò, vạc, bồ nông. Những buổi tối đi đặt lờ đơm đó, tôi lại nao lòng khi nghe tiếng “oắc oẹt”, “oắc oẹt” của chúng gọi nhau đi kiếm ăn đêm. Thỉnh thoảng có kẻ vào sâu trong rừng bẫy cò, vạc. Nghe tiếng kêu thảng thốt mà xót xa!

Bây giờ, chim chóc còn ít, có loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, vì bị người ta săn bẫy nhiều đem bán cho người chơi chim cảnh hay thành món khoái khẩu của những kẻ lắm tiền.

Giờ mỗi khi về quê, chỉ thấy vắng vẻ, tĩnh lặng. Xóm làng vơi bớt nét quê. Lại ước có một vé về với tuổi thơ, để được tận hưởng bản hòa tấu của muôn loài chim chóc thân thương!

Trịnh Thị Thuận

Vườn xuân
Vườn xuân

Qua một đêm mưa bụi li ti, cây trong vườn như được tiếp thêm sức sống mới, tươi tắn, tràn trề nhựa sống. Chẳng mấy lúc, trên những cành khẳng khiu vừa qua mấy tháng mùa đông, những mầm xanh bé xíu đã tách mình ra khỏi lớp vỏ xám, hoan hỉ thưởng thức hương vị ngọt ngào của những hạt mưa xuân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN