Bệnh viện tỉnh ghép được tạng, bệnh viện huyện cứu sống được trẻ đẻ non 500 gram

Đó là thành quả ban đầu đáng phấn khởi mà Đề án Bệnh viện vệ tinh đã mang lại, nhờ có chuyển giao các kỹ thuật cao xuống tuyến dưới, có bệnh viện tỉnh giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ hơn 50% xuống còn 5%, bệnh nhân yên tâm ghép tạng, điều trị ung thư gần nhà.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013- 2018.

Nhận định tại Hội nghị Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 -  2018 do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhờ có các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã tiến hành phẫu thuật ghép tạng thành công. Nhiều bệnh viện tuyến huyện cũng đã mổ được nội soi, cứu sống được trẻ sơ sinh chỉ 500gram... đây là những bước tiến đáng ghi nhận.

Theo đó, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2018, trên cả nước đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Triển khai về lĩnh vực này, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương trích ngân sách đối ứng để các bệnh viện có nguồn đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân lực đi đào tạo, việc chuyển giao các kỹ thuật điều trị. Cụ thể, 10 chuyên khoa đã được chuyển giao xuống bệnh viện tuyến dưới là: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc giúp tuyến dưới được nâng cao tay nghề.

Bệnh viện vệ tinh không chỉ dừng lại ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như: Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La), Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khường (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường (Lai Châu)… Bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập; tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện các Phòng khám bệnh viện vệ tinh đã thu hút được đông bệnh nhân đến khám và điều trị, giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới.

“Bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn cũng đã giúp giảm tải đáng kể cho tuyến trên. Đơn cử như bệnh viện Tim mạch Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội trước đây luôn trong tình trạng tới 5 bệnh nhân/giường thì nay đã giảm tải đáng kể; các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản nhi đều có các chỉ số cho thấy tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm.

Hiện nay tình trạng nằm ghép chủ yếu chỉ còn một vài bệnh viện lớn với số lượng bệnh nhân ở một số khoa rất đông như các bệnh viện: Bạch Mai (Hà Nội), Chợ Rẫy, Ung bướu TP Hồ Chí Minh… còn lại các bệnh viện tuyến trung đều đã giảm tải đáng kể”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bênh (Bộ Y tế) đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, để tiếp nhận các chuyển giao từ bệnh viện tuyến trên, các bệnh viện vệ tinh cũng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quá trình làm bệnh viện vệ tinh cho nhiều bệnh viện hạt nhân chúng tôi nhận thấy có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn phải luôn luôn tìm cách khắc phục mới triển khai được. Chẳng hạn như việc bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật đã sẵn sàng nhưng bệnh viện vệ tinh có bố trí được nhân lực, nguồn lực để tiếp nhận hay không? Tiếp nhận xong có được triển khai hay không cũng là cả một vấn đề. Ngoài việc bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị triển khai các kỹ thuật mới, bệnh viện vốn đã thiếu nhân lực lại còn phải cử bác sĩ giỏi đi đào tạo mỗi đợt ít nhất 2 tuần; điều này đồng nghĩa với việc bệnh viện phải linh hoạt tăng ca, điều động để đảm bảo đủ bác sĩ, nhân viên y tế làm việc hàng ngày tại bệnh viện, tuyển dụng nhân lực mới đảm bảo việc tiếp nhận kỹ thuật mới thành công.

Không chỉ gặp khó khăn trong khâu tiếp nhận, nhiều bệnh viện cũng thừa nhận, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho bác sĩ giỏi cũng phải đổi mặt với thực tế sẽ khó giữ chân bác sĩ nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng. Bởi khi tay nghề bác sĩ được nâng lên, họ có rất nhiều cơ hội để làm việc ở những cơ sở trả lương cao hơn.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, các Sở Y tế các tỉnh cần có sự quan tâm, chế độ đãi ngộ tốt hơn với những bác sĩ đã được đào tạo nâng cao tay nghề để không những giúp giữ chân được bác sĩ tại các bệnh viện vệ tinh mà còn giúp tránh lãng phí, triển khai có chất lượng, hiệu quả các kỹ thuật được chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, thời gian tới các bệnh viện rà soát lại kế hoạch của cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, đây là vấn đề hết sức quan trọng để khớp điều chỉnh và thực hiện, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần phát huy và duy trì công nghệ Telemedicine để hội chẩn trực tuyến, xử lý các ca bệnh khó, giúp bác sĩ tuyến dưới an tâm, vững tay hơn trong điều trị.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
 Phát triển bệnh viện vệ tinh chuyên sâu về chất lượng
Phát triển bệnh viện vệ tinh chuyên sâu về chất lượng

Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện những kỹ thuật khó không thua kém bệnh viện tuyến Trung ương, tạo được niềm tin nơi người bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên… Đó chính là những thành quả không nhỏ mà Đề án bệnh viện vệ tinh đã mang lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN