Cảnh báo tình trạng lạm dụng thiết bị số để né tránh giao tiếp

Có đến 2/3 số người sở hữu thiết bị số nhìn vào màn hình chỉ để tránh giao tiếp trực tiếp với người xung quanh.

Chú thích ảnh
Một gia đình ngồi ăn trong nhà hàng tại Anh. Tất cả đều chăm chú chiếc điện thoại của mình. Ảnh: Dailymail

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, con số trên được công bố trong kết quả khảo sát của một số cơ quan thăm dò ở Nga.

Công ty Kaspersky đã phối hợp với hãng Opeepl tiến hành khảo sát ở 15 nước trên thế giới, trong đó có 750 người tại Nga.

Kết quả khảo sát riêng tại Nga cho thấy 1/3 người dân chọn sử dụng dịch vụ (đặt taxi, đồ ăn, tìm đường...) và thậm chí giao tiếp với người khác thông qua thiết bị điện tử.

66% người tham gia khảo sát thường giả vờ đang bận trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính cầm tay khi họ thấy không thoải mái trong một tình huống nào đó. 50% người dân sử dụng thiết bị số hàng ngày để “giết thời gian”; 47% dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cầm tay mỗi ngày như một nguồn giải trí.

Bên cạnh đó, 30% số người được hỏi lo lắng sẽ không được giải trí nếu không có thiết bị số; 32% cho rằng nếu thiếu thiết bị này họ sẽ khó gọi taxi hay đặt hàng qua mạng; còn 8% lo ngại sẽ không “giả vờ bận” được khi họ không muốn nói chuyện với ai đó.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò của Trung tâm khảo sát công luận toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 27/9, trong hơn 80% người được hỏi sử dụng Internet ở Nga có tới 65% sử dụng hằng ngày. 14% vào mạng vài lần một tuần và chỉ 2% rất hiếm khi vào mạng.

Người sử dụng mạng tích cực nhất là giới trẻ trong độ tuổi 18 - 24 (97%), người có học vấn cao (78%) và có điều kiện tài chính (72%), người sống ở Moskva và Saint-Petersburg (76%).

Các mục đích sử dụng Internet bao gồm công việc, học tập, nghe nhạc, xem phim và đọc sách. Hơn 37% sử dụng hòm thư điện tử, 36% sử dụng Internet để mở rộng tầm hiểu biết, trong khi 35% theo dõi tin tức, sự kiện trong nước và trên thế giới.

Với kết quả trên, các nhà xã hội học cảnh báo tình trạng sử dụng thiết bị số đang cản trở người Nga nói chuyện trực tiếp với nhau.

Chuyên gia tâm lý Olga Bochkova, lãnh đạo “Học viện an toàn trẻ em”, cho biết ngày càng nhiều người giao tiếp thông qua thiết bị cầm tay cho dù vẫn đang có mặt trong cùng một phòng hoặc ngồi cùng bàn trong quán cà phê.

Đối với những người này, giao tiếp trực tiếp đã trở nên khó khăn, vì giao tiếp đòi hỏi phải lắng nghe, hiểu, thể hiện đồng cảm - những hành động không thể thể hiện được qua việc sử dụng điện thoại thông minh. Chính điều đó đang ảnh hưởng đến chất lượng kỹ năng giao tiếp của con người.

Tâm Hằng (TTXVN)
Làm thế nào để ngăn chặn những cuộc gọi quấy rầy trên smartphone?
Làm thế nào để ngăn chặn những cuộc gọi quấy rầy trên smartphone?

Thủ thuật giúp ngăn chặn những cuộc gọi từ các số không mong muốn trên smartphone; cách thức để tải video chất lượng cao từ Facebook; bộ sưu tập hình nền 3D với hiệu ứng động đẹp mắt... là những ứng dụng, thủ thuật được quan tâm nhất tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN