Chớ xem thường bệnh suy giãn tĩnh mạch vì có thể gây tử vong đột ngột

Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường được nhắc đến là do các van tĩnh mạch bị hư hỏng hoặc do bị chèn ép từ bên ngoài bởi một khiếm khuyết tự nhiên của cơ thể. Phần lớn bệnh này thường gặp ở phụ nữ và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20- 50 tuổi.

Phụ nữ dễ mắc hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu


Bà L.T.H. (sinh năm 1956, ở Sóc Trăng) nhập viện vào tháng 7/2015 trong tình trạng đau và loét chân không lành. Theo lời kể của bà H., từ 8 năm trước, bà thường xuyên bị phù chân trái khi đứng lâu hay đi lại. Khoảng 2 năm nay, bà bị phù kèm theo nổi các tĩnh mạch ngoài da và đau chân khi đứng lâu hay đi lại. Hai tháng trước nhập viện, một vết loét ở mắt cá trong chân trái xuất hiện, gây chảy dịch và đau đớn. Các bác sĩ khoa Lồng ngực mạch máu bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch giai đoạn cuối do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và điều trị sau đó bằng nong bóng và đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu thành công.


Hay như trường hợp của chị N.T.M.T. (sinh năm 1975, ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) được chuyển đến bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trong tình trạng chân trái phù to và đau. Chị kể, mấy ngày trước chị cảm thấy đau hông, lưng trái, sau đó phát hiện chân sưng to, chị liền đến bệnh viện quận khám và làm siêu âm. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị huyết khối tĩnh mạch sâu chân trái và chuyển bệnh viện chuyên khoa điều trị.


Tại bệnh viện, các chẩn đoán sâu hơn cho thấy chị M.T. bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái do tắc tĩnh mạch chậu. Chị M. T. sau đó đã được phẫu thuật để lấy hết huyết khối trong lòng mạch, đồng thời nong bóng và đặt stent tái thông dòng chảy của tĩnh mạch, kết hợp với thuốc kháng đông máu.

Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gặp phần lớn ở phái nữ và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20-50 tuổi. Ảnh: BV.

Theo ThS.BS.Lê Thanh Phong, khoa Lồng ngực mạch máu bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu có thể gây nên tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mức độ nặng, đôi khi gây nguy hiểm tính mạng, nhưng không thể chữa khỏi bằng những cách điều trị suy tĩnh mạch thông thường. Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gặp phần lớn ở phái nữ (80%) và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20-50 tuổi.


Tuy nhiên, bác sĩ Thanh Phong cho biết, không phải tất cả các trường hợp chèn ép tĩnh mạch chậu đều có biểu hiện triệu chứng. Các thương tổn này thường yên lặng và một số sẽ đột ngột nặng lên khi có thêm các yếu tố bất thường khác về hồi lưu tĩnh mạch chi dưới. "Có thể vì thế, biểu hiện đầu tiên của bệnh thường xuất hiện sau phẫu thuật, sau khi mang thai, sau thời gian nằm liệt giường, hay khi phải làm việc ở tư thế đứng trong thời gian dài", bác sĩ Phong cho biết thêm


Phương pháp điều trị không đau


Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu biểu hiện giống như suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, hay hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu, hoặc nặng hơn là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng đau nhức chân, kèm các cảm giác khó chịu khác như mỏi, nặng, cảm giác kiến bò, chuột rút… tăng lên khi đi đứng và giảm đi khi nằm kê chân cao hay mang vớ áp lực, kèm theo tình trạng phù chân, gân xanh đỏ nổi dưới da hoặc có thể loét ở cổ chân. Ở nhóm người bệnh này, điều trị suy giãn tĩnh mạch theo cách thông thường sẽ không bao giờ khỏi bệnh.


Theo bác sĩ Phong, có hơn phân nửa số người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính chân trái có hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và tỉ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân trái cao hơn chân phải gấp 5 lần. Bệnh thường khởi phát đột ngột với tình trạng đau và phù ở chân trái tăng dần, đi kèm các tĩnh mạch mới nổi lên ở vùng đùi và bẹn. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong đột ngột do cục máu đông di chuyển về tim, gây tắc động mạch phổi hay nhẹ hơn là tình trạng suy tĩnh mạch hậu huyết khối với phù, đau chân và lở loét về sau.


Bác sĩ Phong cho biết, trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Chi phí cho một kỹ thuật điều trị này khoảng 40-50 triệu đồng. Sau mổ, người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện cùng ngày.


Giữa năm 2015, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch do tắc nghẽn bằng can thiệp nội mạch. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Đến nay đã có khoảng 20 người bệnh đã được điều trị theo phương pháp này kể từ khi được Bộ Y tế cho phép, kết quả theo dõi đến nay cho thấy hiệu quả điều trị rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người bệnh cải thiện đáng kể và ổn định.


"Việc áp dụng thành công phương pháp nong và đặt stent điều trị hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu, mở ra một hướng mới cho việc điều trị các bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch khác như hội chứng hậu huyết khối, hội chứng tắc tĩnh mạch chủ trên, hội chứng phù áo khoác", bác sĩ Thanh phong chia sẻ.


Đan Phương/ Báo Tin Tức
Lặng người nghe chuyện nạn nhân của một xu hướng tình dục nguy hiểm
Lặng người nghe chuyện nạn nhân của một xu hướng tình dục nguy hiểm

Những nạn nhân của xu hướng tình dục nguy hiểm này xấu hổ tới mức không dám kể với ai. Họ sống trong nỗi sợ hãi, dằn vặt bản thân sau khi bị lén lút xâm phạm tình dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN