Gần 600 người đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học ​

Tại lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế phối hợp với Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ tổ chức vào tối 29/9 tại chùa Giác Ngộ, quận 10 (TP Hồ Chí Minh), gần 600 người đã đăng ký hồ sơ hoàn chỉnh để hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học.

Chú thích ảnh
GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế (giữa) chia sẻ về ý nghĩa của hành động hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học.

Phát biểu tại lễ đăng ký, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, Chủ tịch Quỹ đạo Phật ngày nay cho biết: Những người hiến mô, tạng khi mất đi sẽ có cơ hội chuyển sự sống cho từ 6 đến 13 người khác. Trong đạo Phật, tác động của nhân quả là có thật, việc hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho khoa học không chỉ là việc làm có ý nghĩa, góp phần cứu chữa người bệnh có nhu cầu, có ý nghĩa xã hội mà còn tạo được cảm giác hạnh phúc cho người hiến tạng khi thực hiện những việc làm ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học tại chùa Giác Ngộ, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế, để thực hiện ghép mô, tạng thì cần thực hiện 4 bước gồm chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, quá trình thực hiện ghép mô, tạng và quá trình chăm sóc y tế sau khi ghép. Khó khăn nhất trong các bước này là việc mất cân bằng giữa số lượng người cho và người nhận. Việc cần làm là có những giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc hiến mô, tạng cứu người cũng như hiến xác cho khoa học.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học. 

Tại lễ đăng ký, rất nhiều người dân đã trực tiếp đăng ký và nhận thẻ hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho khoa học. Đăng ký hiến mô, tạng cứu người, chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, 25 tuổi, ở quận 6 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Việc hiến tạng là tâm nguyện của bản thân tôi trong nhiều năm nay vì thấy đây là việc làm có ý nghĩa, mang lại sự sống cho những người cần. Quyết định hiến tạng của tôi được gia đình hoàn toàn ủng hộ vì đây là việc làm có ý nghĩa. 

Chú thích ảnh
Sư cô Thích nữ Giác Thanh Hiền, chùa Tường Quang, quận 12 chia sẻ về hành động đăng ký hiến mô, tạng cứu người của bản thân.

Cũng là người đăng ký hiến mô, tạng, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh năm 1980, ở quận 2 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Bố tôi mất cách đây 25 năm vì bệnh sỏi mật nên tôi nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc hiến mô, tạng cứu người. Tôi biết thông tin về chương trình đăng ký hiến tạng và hiến xác này qua mạng xã hội và đến sự kiện để trực tiếp đăng ký hiến tạng. Tôi thấy rằng khi mất đi thì thân xác không còn ý nghĩa nên việc cuối cùng có thể làm là cứu giúp những người cần ghép mô, tạng, góp thêm một việc làm có ý nghĩa cho xã hội.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học. 

Được biết, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học; theo đó trong năm 2015 có hơn 250 người đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, năm 2016 có 583 người đăng ký và năm 2017 có 527 người đăng ký.

Tin, ảnh: Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)
Chưa nhận được đơn tình nguyện nào xin hiến tạng của tử tù
Chưa nhận được đơn tình nguyện nào xin hiến tạng của tử tù

Mấy ngày qua, dư luận có xôn xao khi một số tội phạm khi bị tử hình đã phát biểu "xin hiến tạng". Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia khẳng định, đến nay, trong tất cả hơn 18 nghìn người đăng ký hiến mô, tạng; Trung tâm chưa nhận được đơn tình nguyện nào xin hiến tạng của tử tù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN