Học cách xử trí khi trẻ hóc dị vật

Hóc dị vật là tai nạn dễ khiến trẻ tử vong nhanh và rất thường gặp ở trẻ em, nhất là dịp trong và sau Tết. Bởi ngoài các tác nhân thường gặp như cơm, cháo, thuốc… dịp này, các gia đình vẫn đầy ắp các loại bánh mứt, hạt bí, hướng dương…

BS Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn các sơ cứu bệnh nhân trên mô hình.Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Trẻ dễ hóc khi ăn, nô đùa


Theo BS Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, tai nạn hóc dị vật thường xảy ra trong bữa ăn, khi trẻ đang nô đùa; đặc biệt, dịp Tết, nhiều trẻ hay tò mò, thích bóc, cắn, khám phá các loại hạt, mứt vẫn được bày trên bàn tiếp khách.


“Đáng nói, có trường hợp trẻ đã ăn no, nhưng người lớn vẫn cố cho ăn thêm những miếng cháo còn lại. Lúc trẻ đang chán ăn, ậm ọe mà bị ép như vậy rất dễ bị sặc thức ăn vào đường thở, khiến trẻ bị tím tái, ngừng thở nếu không được cấp cứu kịp thời”, BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.


BS Lý Kiều Diễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi cho trẻ ăn, không cho trẻ ngậm các đồ vật nhỏ vì dễ bị sặc với các dấu hiệu như: Trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái.


Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ tím tái nặng, ngưng thở và tử vong. Nếu dị vật bít một phần đường thở, trẻ sẽ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Sau đó trẻ trở lại bình thường, thỉnh thoảng xuất hiện những đợt ho sặc tương tự trở lại, trẻ rất dễ tử vong trong giai đoạn này.


Nếu không phát hiện được tình huống điển hình như trên, nhiều ngày sau trẻ thường nhập viện vì tình trạng viêm phổi tái phát kéo dài, hoặc áp - xe phổi do có dị vật đường thở bị bỏ quên.


Không vuốt xuôi ngực trẻ


Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ vẫn nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra.


Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, người lớn cần thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở. Cụ thể, với trẻ nhỏ, cho trẻ nằm sấp trên 1 tay của người lớn, hoặc đặt lên chân, giữ cổ thẳng, để đầu chúc; dùng tay kia vỗ mạnh vào lưng giữa 2 vai của trẻ nhằm kích thích ho, đẩy dị vật bắn ra theo đường ho.


Nếu dị vật vẫn chưa bị đẩy ra, tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa, dùng hai ngón tay trỏ ấn thật mạnh và nhanh vào vùng thượng vị (vị trí trên rốn, dưới xương ức) của trẻ, làm lại động tác này nhiều lần.


Tuy nhiên, nếu cả hai biện pháp trên không hiệu quả, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.


Đối với trẻ lớn còn tỉnh, bố mẹ trẻ đứng ở phía sau, ôm sốc sát người mình và đặt 2 tay lên nhau dưới xương ức, sốc nhẹ lên khoảng 5 cái.

Thao tác khi trẻ lớn hoặc người lớn hóc dị vật.

Trường hợp trẻ hôn mê và không thở được, bố mẹ cần thực hiện hà hơi thổi ngạt rồi mới tiến hành sơ cứu. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, cần tiến hành song song hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn mạnh vào dưới xương ức trẻ cho đến khi dị vật văng ra ngoài. Sau khi thực hiện các bước sơ cứu cho trẻ, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.


“Tuyệt đối không được đặt trẻ nằm ngửa, rồi vuốt xuôi ngực như một số bà mẹ vẫn làm theo thói quen. Nếu vậy, dị vật sẽ rơi vào sâu trong đường thở, khiến trẻ càng nguy kịch”, BS Dũng lưu ý.


Theo các chuyên gia nhi khoa, tốt nhất là“phòng bệnh hơn chữa bệnh”, người lớn cần chú ý hơn trong lúc trẻ ăn hoặc chơi với những vật nhỏ, đặc biệt dịp đầu Xuân là khi trẻ cầm những loại hạt, mứt... Và để phòng tình huống xấu nhất, người chăm sóc trẻ cần trang bị kiến thức để có thể xử trí khi trẻ không may bị hóc dị vật.


Phương Liên (tổng hợp)
Cứu sống cháu bé 1 tuổi bị dị vật đâm thủng thực quản
Cứu sống cháu bé 1 tuổi bị dị vật đâm thủng thực quản

Một bệnh nhi 1 tuổi bị dị vật đâm rách thực quản, nhiễm trùng nặng vừa được cứu sống và có thể xuất hiện trong vài ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN