Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Hồng cầu lắng đông lạnh - phương pháp dự trữ nguồn máu hiếm mới

Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm ra kỹ thuật có thể lưu trữ, bảo quản hồng cầu đông lạnh đến 10 năm.

Trữ đông máu hiếm từ nhu cầu thực tế

Thay vì chỉ bảo quản được tối đa 42 ngày, bằng sự tìm tòi và nhiệt huyết, tập thể cán bộ Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm ra kỹ thuật có thể lưu trữ, bảo quản hồng cầu đông lạnh đến 10 năm, giúp những bệnh nhân có nhóm máu hiếm trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp; đồng thời mở ra cơ hội cho những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng máu của chính mình (truyền máu tự thân) để đảm bảo sự an toàn cần thiết.

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên tắc của truyền máu là phải truyền phù hợp nhóm máu để tránh tai biến nguy hiểm, đặc biệt nhóm máu hiếm RhD âm bắt buộc phải truyền RhD âm. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam mang nhóm máu hiếm RhD âm là 0,07%.

Thông thường những người bệnh có nhóm máu hiếm này phải phụ thuộc rất lớn vào những người có nhóm máu hiếm tình nguyện hiến tặng. Trong khi đó hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, câu lạc bộ máu hiếm đang có khoảng 160 người nhưng không phải lúc nào cũng huy động được, đặc biệt là trong tình huống cần số lượng máu lớn.

Các túi hồng cầu trước khi đưa vào đông lạnh tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu – Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

“Máu hiếm là những loại máu không phải lúc nào cũng dễ tìm người cho, đặc biệt trong tình huống cấp cứu. Trái lại, cũng có lúc lượng máu hiếm được hiến tặng quá nhiều nhưng lại không có nhu cầu sử dụng, đành phải bỏ đi rất uổng phí vì thời gian bảo quản quá ngắn. Chính vì vậy chúng tôi mới trăn trở và bắt đầu nghiên cứu tìm phương pháp làm sao lưu trữ hồng cầu dài ngày hơn để phục vụ cho công tác cứu người”, bác sỹ Phù Chí Dũng chia sẻ.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2005, bác sỹ Phù Chí Dũng cùng tập thể cán bộ Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật trữ lạnh hồng cầu trong thời gian dài.

Sau 7 năm tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, những chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh có thể bảo quản trên 24 tháng bắt đầu ra đời. Sau 4 năm theo dõi lâm sàng tình trạng những người bệnh sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh, khi không ghi nhận sự khác biệt nào so với truyền máu thông thường thì công trình mới chính thức được ghi nhận và thời gian bảo quản máu cũng tăng dần lên đến 10 năm.

“Với cách bảo quản thông thường bằng dung dịch chứa dextrose, adenine và mannitol chỉ cho phép dự trữ hồng cầu lắng trong khoảng 28- 42 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Tuy nhiên nếu thêm vào một loại chất bảo quản là glycerol nồng độ cao 40%, sau đó đông lạnh ở nhiệt độ -80 độ C thì có thể lưu trữ lên đến 10 năm”, bác sỹ Phù Chí Dũng nói.

Lưu giữ hồng cầu đông lạnh tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Khi muốn sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh chỉ cần rã đông, loại bỏ glycerol và thực hiện truyền máu như bình thường. Các kết quả bước đầu cho thấy, khi sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh thì lượng hemoglobin (huyết sắc tố) tăng không khác biệt so với máu tươi, cũng chưa ghi nhận trường hợp xảy ra tai biến, biến chứng nào.

Mặc dù đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng thành công nhưng khi công trình này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực sự là một bước tiến cho kỹ thuật đông lạnh máu. Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành đơn vị tiên phong trên cả nước thực hiện và cấp phát hồng cầu đông lạnh cho nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Thành phố trong những trường hợp tối khẩn.

Mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân
 
Bác sỹ Phù Chí Dũng nhớ lại: Năm 2014, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị vỡ phình động mạch chủ ngực và có nhóm máu hiếm RhD âm, cần một lượng máu lớn để phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức. Tình huống vô cùng khẩn cấp khi người hiến máu không thể có mặt kịp thời, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cầu cứu đến ngân hàng máu. Ngay lập tức, 8 túi hồng cầu lắng đông lạnh đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. “Nếu không có nguồn máu đông lạnh mà chúng tôi dự trữ trước thì không thể cứu được bệnh nhân trong tình huống nguy cấp như vậy”, bác sỹ Dũng chia sẻ.

Khu vực lưu trữ và bảo quản các túi hồng cầu đông lạnh tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Cũng theo bác sỹ Phù Chí Dũng, đến nay đã có 231 túi hồng cầu đông lạnh được truyền cho các bệnh nhân trong tình huống cấp cứu khẩn cấp. Ngoài ra, trong ngân hàng lưu trữ tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có sẵn khoảng 400 túi hồng cầu đông lạnh, sẵn sàng cung cấp cho các bệnh nhân có nhóm máu hiếm khi có nhu cầu.

Bên cạnh sử dụng trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp thì phương pháp lưu trữ hồng cầu lắng đông lạnh có thể sử dụng để đáp ứng nhu cầu của những người muốn truyền máu của chính mình, hay còn gọi là truyền máu tự thân. Bác sỹ Phù Chí Dũng đưa ra ví dụ, một bệnh nhân đăng ký mổ chương trình có thể tự dự trữ máu của mình cách đó 2-3 tháng, thậm chí là lâu hơn để truyền cho chính mình khi phẫu thuật mà không cần dùng đến máu của người khác.

Lợi ích của truyền máu tự thân là an toàn hơn về mặt miễn dịch, không tạo ra các kháng thể bất thường chống lại hồng cầu có sẵn trong cơ thể của chính mình. Mặt khác, đảm bảo an toàn hơn về khả năng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác. “Mặc dù hệ thống sàng lọc máu ngày nay đã hiện đại hơn rất nhiều nhưng máy móc vẫn chưa thể phát hiện được một số bệnh có giai đoạn cửa sổ kéo dài và vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm cao”, bác sỹ Dũng cảnh báo.

Theo bác sỹ Phù Chí Dũng, hiện nay giá dịch vụ sử dụng máu dự trữ bằng kỹ thuật đông lạnh hồng cầu khá lớn do chi phí để ứng dụng kỹ thuật này khó và điều kiện bảo quản ngặt nghèo nên chưa thể triển khai đại trà, chỉ sử dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp.

Sắp tới, Bệnh viện Truyền máu – huyết học Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Bảo hiểm y tế chi trả cho các sản phẩm hồng cầu lắng đông lạnh vì xét về bản chất đây cũng là một sản phẩm máu thông thường.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chế độ đãi ngộ thích hợp cho những người có nhóm máu hiếm khi tình nguyện hiến máu nhằm tăng thêm nguồn cung cấp máu để trữ đông, phục vụ nhu cầu cho người bệnh trong những lúc cần thiết.

Đinh Hằng (TTXVN)
Những trăn trở của 'Tư lệnh' ngành Y
Những trăn trở của 'Tư lệnh' ngành Y

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ sau nhiều nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành y tế vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN