Phòng ‘bệnh lối sống’ cho học sinh tiểu học

Ít vận động, ăn theo thực đơn không khoa học, thức quá khuya…là căn nguyên của nhiều "kẻ thù sức khoẻ" như béo phì, tim mạch, tiểu đường…- những căn bệnh được gọi chung là “bệnh lối sống”. Một nếp sống lành mạnh, khoa học đang được trang bị cho học sinh tiểu học tại Hải Phòng, với kỳ vọng lan toả thói quen sống tích cực cho cả cộng đồng.

Tùng…tùng… tùng… Tiếng trống báo hết tiết vang lên, em Phạm Anh Minh, học sinh lớp 4A8 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) gấp sách lại, nhìn sang bạn ngồi cạnh. Hai bạn nhỏ lúc lắc đầu nhìn nhau, rồi cùng duỗi thẳng tay về phía trước, uốn các ngón cong như thầy giáo đã hướng dẫn. Sau đó, hai bạn vươn tay cao quá đầu, vòng nhẹ ra phía sau. “Em đỡ mỏi, rất dễ chịu”- Phạm Anh Minh chia sẻ.

Chỉ đôi động tác nhỏ thôi, tập tại chỗ trong mỗi 5 phút nghỉ giữa các giờ học, trước khi rời chỗ ngồi, ra chơi cùng các bạn, cũng phần nào giúp các bạn nhỏ được thư giãn. “Không gian lớp học hẹp, rất phù hợp với các động tác J-Fix này. Tranh thủ vận động tại chỗ mọi lúc, mọi nơi đúng cách, có thể giúp các em giảm căng cứng, mỏi cơ sau khi ngồi học cả tiết dài”, thầy Đặng Xuân Hiếu, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của nhà trường cho biết.

Chú thích ảnh
Giờ giáo dục thể chất không chỉ là thể dục, mà còn là các bài nhảy, trò chơi. Ảnh: Việt Cường

Học bằng chơi, chơi mà học

Tại giờ Thể dục chính khoá, Anh Minh cùng các bạn trong lớp xếp hàng ôn lại 8 động tác bài thể dục phát triển toàn thân. Nhạc được nổi lên. Cũng vẫn là vươn thở, tay, chân, lưng, toàn thân…, nhưng khi tập trên nền nhạc “nhìn màu khăn thắm tươi, lòng em bao sướng vui…”, học sinh nào cũng hào hứng. Sau đó, cả lớp chia thành 4 đội, cùng tham gia cuộc thi “cò nhảy”, co 1 chân như chú cò, xếp hàng luân phiên nhảy về đích trong tiếng hò reo cổ vũ.

Lấm tấm mồ hôi trên má sau khi vừa cùng lò cò, một số bạn nhỏ lại hào hứng nhảy điệu disco trẻ trung. “Bạn nào muốn nghỉ thì ngồi làm khán giả. Còn em, em thích nhảy thêm điệu nhảy này, ấm cả người, lát vào học sẽ không buồn ngủ”- Anh Minh khoe.

Tiết học thể dục trôi qua thật nhanh. Bạn nhỏ nào cũng được tham gia vận động, cũng hào hứng với các động tác thể dục được lồng ghép vào các trò chơi và giải trí. “Bên cạnh các nội dung luyện tập theo chương trình và sách giáo khoa, các em rất hưởng ứng với những trò chơi phù hợp lứa tuổi, động tác không quá phức tạp như thế này. Hôm nào trời mưa không được xuống sân trường tập kéo co, rồng rắn lên mây…, là các em lại “đòi” các bài tập nhỏ như thế này trong phòng thể chất”- thầy Đặng Xuân Hiếu cho biết. “Chúng tôi vất vả hơn khi soạn giáo án, nhưng rất vui khi thấy thể lực của học sinh ngày càng được cải thiện”.

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nơi Anh Minh và các bạn theo học, là một trong những trường “điểm” của thành phố Hải Phòng. Như nhiều ngôi trường tại các thành phố khác, diện tích sân chơi cho học sinh dù rất khang trang, nhưng cũng chưa đủ để có các bãi tập thể thao cho học sinh. Nhà trường đã khắc phục bằng các sắp xếp thời khoá biểu để đảm bảo mỗi lớp, mỗi học sinh có 2 tiết học thể dục chính khoá mỗi tuần. Bên cạnh đó, trường phối hợp với các cơ sở khác như Bể bơi Hạ Lý, Cung thể thao thiếu nhi,… để tổ chức các lớp ngoại khoá về bơi lội, bóng đá cho các học sinh. Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thầy cô giáo các bộ môn đều chú ý lồng ghép nội dung giáo dục về thể chất trong các bài học, hướng dẫn các con tự vận động trong thời gian chuyển các tiết, các trò chơi…

Ăn hết khẩu phần, bắt đầu bằng rau

Đặc biệt, song hành với vận động hợp lý là chế độ ăn khoa học dành cho các học sinh. Tại phòng ăn của nhà trường, các suất cơm canh nóng được chia vào từng khay inox cho các con, đủ các món: Thịt viên rim mắm hành, xu hào cà rốt xào tôm, canh cải nấu tôm, thanh long tráng miệng. “Chúng tôi được các chuyên gia Nhật tập huấn, cung cấp công thức các món ăn theo hướng tăng rau quả, phong phú về thành phần, giảm bớt thịt, thêm tôm cá, đủ gia vị, có hành tỏi…”- cô Lê Thị Tuyết, Bếp trưởng bếp ăn của nhà trường cho biết. Trước kia, các con không thích ăn rau quả, không thích cá tôm mà chỉ thích các món thịt. Nay với các món ăn được chế biến hấp dẫn, lại thêm được thầy cô giáo và cha mẹ hướng dẫn, nên các con thay đổi dần.

“Các con rất ngoan, thực hiện đúng như khẩu hiệu: “Ăn hết khẩu phần, bắt đầu từ rau”, trước mỗi bữa còn đọc các tờ áp-phích về tác dụng từng loại món ăn, nên khi ăn rất hào hứng. Nhìn các con ngon miệng, các cô nấu bếp cũng phấn khởi lây” – cô Lê Thị Tuyết chia sẻ. Các cô còn “sáng tạo” thêm khi thực hiện các thực đơn, ví dụ củ quả thì thay đổi hình dáng liên tục, khi để miếng thái mỏng, lúc bào sợi trộn các màu, dễ ăn và rất bắt mắt trẻ em tiểu học.

Chú thích ảnh
Để xây dựng thói quen ăn uống khoa học, một thực đơn đủ dinh dưỡng và ngon miệng là điều cần thiết. Ảnh: Thuỳ Hương

“Không phải phụ huynh nào ngay từ đầu cũng hợp tác trong việc thay đổi chế độ ăn cho các con đâu”- cô Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Từ khi học sinh vào lớp 1, trường đã phổ biến cho phụ huynh về các chương trình đang triển khai tại nhà trường, trong đó có chương trình “phòng chống bệnh liên quan tới lối sống” và "bữa ăn học đường" để yêu cầu cùng phối hợp. Trên cơ sở suất ăn bán trú 25.000 đồng/ngày của các con, các bác sĩ dinh dưỡng của thành phố và các tư vấn viên người Nhật đã khuyến khích tăng cường rau xanh, cân đối về các thành phần dinh dưỡng. “Nhưng nhà trường chỉ đảm bảo được bữa trưa và bữa xế cho trẻ bán trú, còn 2 bữa ăn tại nhà, hoàn toàn là do phụ huynh”- cô Vân Anh cho biết. Điều đáng mừng là về sau, đa số các phụ huynh đã nhận thấy lợi ích và phối hơp cùng nhà trường, giúp các con tuân thủ chế độ ăn uống, vận động, không thức khuya, mà dậy sớm ăn sáng trước khi tới trường, hạn chế đồ ăn nhanh, chiên rán.

Kết quả đánh giá sức khoẻ định kỳ của học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng là một trong những bằng chứng thuyết phục về lợi ích của việc thay đổi thói quen vận động, ăn uống trong học sinh. Tháng 10 năm 2017, kiểm tra lấy mẫu của học sinh khối 4,5 tại trường Đinh Tiên Hoàng, số trẻ thừa cân béo phì lên tới 51,8% - một con số đáng lo ngại. Đến tháng 4 năm 2018, con số này giảm còn 49,6% trẻ thừa cân béo phì. Chỉ số vẫn chưa chạm tới tiêu chuẩn chung của học sinh Việt Nam, song chiều  hướng giảm đi là thấy rõ.

“Trẻ thừa cân có thể giảm cân được, nếu áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh liên quan tới lối sống. Đừng để các thói quen phản khoa học dẫn tới béo phì, rất khó khắc phục” – Bác sĩ Đồng Trung Kiên, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hải Phòng, bình luận. Bác sĩ Đồng Trung Kiên là người chịu trách nhiệm về chuyên môn của Dự án mô hình phòng chống bệnh liên quan đến lối sống – dự án cấp cơ sở của tỉnh Kagawa (Nhật Bản) trực tiếp phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hải Phòng thực hiện, với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Chú thích ảnh
Lãnh đạo và cán bộ văn phòng JICA tại Hà Nội tham quan một giờ ăn trưa của học sinh tiểu học tại Hải Phòng. Ảnh: Việt Cường

Xuất phát điểm của dự án là tình trạng gia tăng số người mắc các bệnh liên quan đến lối sống như béo phì, huyết áp và tiểu đường tại Hải Phòng, riêng số người mắc bệnh tiền tiểu đường đã tăng từ 26,9% (năm 2012) lên 44,1% (năm 2013). Hơn một phần ba số trẻ em được sàng lọc mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì. Nguy cơ và gánh nặng đối với bệnh tật là rất rõ, vậy nhưng đa số người dân địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ và ít có biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan tới lối sống. Thiếu hụt nhân viên y tế để giáo dục cộng đồng địa phương về chế độ dinh dưỡng, vận động … cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Việc các cán bộ y tế và giáo dục cùng tập trung xây dựng một mô hình “điểm” về phòng chống bệnh liên quan tới lối sống tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thực chất là để nhằm tạo ra các nhà giáo dục y tế trong trường học, hoàn thiện mô hình trường học có ý thức cao trong phòng chống bệnh liên quan tới lối sống. Từ mô hình này, một hệ thống các trường học thực hiện phòng bệnh liên quan tới lối sống sẽ được triển khai trên toàn thành phố Hải Phòng, có sức lan toả không chỉ trong các nhà trường, mà tới từng gia đình và các địa phương khác.

Tiếp sau trường Đinh Tiên Hoàng, ngay tại Hải Phòng, một trường khác là Lê Hồng Phong đã triển khai mô hình này. Và “tiếp bước” các cháu nhỏ, một chương trình tuyên truyền về phòng bệnh lối sống dành cho người lớn đã được Trung tâm y tế dự phòng TP Hải Phòng triển khai. Trung tâm đang xây dựng một bộ tài liệu gửi tới Sở Giáo dục – Đào tạo, hy vọng sẽ sớm được triển khai trong tất cả các trường học của thành phố.

“Chỉ mất công sức, chứ không tốn kém kinh phí là bao. Ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật cho bất cứ đơn vị trường học nào triển khai nội dung tuyên truyền này, với mong muốn hình thành một thế hệ tương lai mạnh khoẻ cả về thể chất lẫn tinh thần”, BS Đồng Trung Kiên nhấn mạnh.

“Đây là một dự án cấp cơ sở của JICA, tới tháng 3/2019 sẽ kết thúc. Chúng tôi tin tưởng rằng khi mỗi giáo viên, học sinh, và phụ huynh nhận thức được lợi ích của việc thực hiện một lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa các căn bệnh thời đại như béo phì, tim mạch, tiểu đường… thì tự bản thân mô hình sẽ được nhân rộng, nhằm xây dựng một thói quen sinh hoạt, ăn uống, vận động tích cực, khoa học cho cả cộng đồng”- ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam khẳng định.
Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Hà Nội phát triển y tế học đường, nâng cao thể chất cho học sinh
Hà Nội phát triển y tế học đường, nâng cao thể chất cho học sinh

Y tế học đường là một phần không thể thiếu trong trường học, làm nhiệm vụ khám bệnh, theo dõi sức khỏe định kỳ và dự phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN