Sữa học đường có cần thiết không?

Chương trình sữa học đường chỉ để góp phần nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai chứ không phải phong trào thi đua hay thành tích. Nếu còn băn khoăn phụ huynh có thể tìm hiểu kỹ Chương trình trước khi đăng ký cho con vì đây hoàn toàn là tự nguyện; nếu học sinh đang đăng ký mà sau này không muốn đăng ký tiếp hoặc chưa đăng ký và muốn sau này đăng ký cũng không có vấn đề gì.

Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại Tọa đàm “Sữa học đường có cần thiết không?” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 9/10 tại Hà Nội.

 

Chú thích ảnh
Các chuyên gia trả lời nhiều vấn đề người dân thắc mắc.

Hoàn toàn tự nguyện

Trước thực tế triển khai Chương trình sữa học đường đã phát sinh những ý kiến băn khoăn, nghi ngại của nhiều phụ huynh, người dân, ông Tuấn khẳng định, việc lựa chọn sữa học đường hoàn toàn là do sự tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Thông tin bắt học sinh đăng ký vì thành tích thi đua là hoàn toàn sai lệch. Đề án sữa học đương được Chính phủ đưa ra nhằm cải thiện tầm vóc với mục tiêu góp phần cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai.

Về việc lo ngại chất lượng sữa trong Chương trình sữa học đường như: Hết hạn sử dụng, chất lượng không đảm bảo... UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Y tế kiểm tra giám sát chất lượng sữa từ các hãng, nếu hãng nào không đảm bảo chất lượng sữa sẽ bị loại ngay. Ông Tuấn cũng đưa ra ví dụ, một trường có hơn 3.000 học sinh thì phải cung cấp sữa hàng ngày. Còn với trường ít học sinh thì một tuần trở lại phải cung cấp sữa một lần nên không có chuyện sữa quá hạn sử dụng và cũng không thể sản xuất sữa tràn lan.

Để triển khai Chương trình sữa học đường, từ 5/9, UBND Thành phố Hà Nội đã cho đấu thầu công khai, rộng rãi, hiện tại đã có 11 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia đấu thầu cung cấp sữa cho các trường học tại Hà Nội. Bộ Giáo dục cũng đã có những chỉ đạo, Sở Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị để triển khai xây dựng đề án bám vào những cơ sở khoa học, thực tiễn để triển khai, khảo sát ý kiến phụ huynh.

Đề án đem lại những ý nghĩa nhân văn cao đẹp với mục đích nâng cao tầm vóc thể lực cho trẻ em, để mọi trẻ em hàng ngày đến trường đều được uống sữa tươi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kinh phí triển khai nhờ các nguồn từ doanh nghiệp và đóng góp của phụ huynh, chương trình cũng miễn phí tiền uống sữa đối với các em hộ nghèo, đối tượng chính sách. Sữa học đường là chủ trương lớn, đúng đắn của Chính phủ. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn là làm sao để công tác đấu thầu sữa, giá thành minh bạch công khai. Để chương trình đi vào cuộc sống, nâng cao thể chất cho học sinh là rất quan trọng, ông Tuấn cho biết thêm.

Anh Nguyễn Hoàng Quân, một phụ huynh học sinh ở Hà Nội tham dự tọa đàm chia sẻ: "Theo tôi, sữa học đường là một chính sách hợp lý, đặc biệt là nó giúp những bé sinh ra trong các gia đình có điều kiện khó khăn có cơ hội được sử dụng sữa một cách dễ dàng hơn. Như tôi được phổ biến, giá sữa các con uống ở trường sẽ được trợ giúp 30% từ nhà nước, 20% từ doanh nghiệp. Như vậy, giá thành một hộp sữa từ 7.000 – 8.000 đồng xuống chỉ còn 3.000 đồng, tương đương một ly trà sữa. Đây là một mức giá rất thích hợp".

Sữa là một phần quan trọng của bữa ăn học đường

Theo TS.BS. Bùi Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc gần đây nhiều phụ huynh có nhiều ý kiến khi triển khai chương trình sữa học đường là một hiện tượng đáng mừng vì các phụ huynh đã quan tâm chăm lo đến vấn đề dinh dưỡng của con trẻ. Trẻ có thêm sữa học đường cho bữa phụ là cần thiết bên cạnh bữa chính là bữa trưa, các gia đình cần hỗ trợ cùng với nhà trường để có bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Nếu trường nào còn sử dụng bánh ngọt, bánh rán, bánh bích quy... thì thay thế bằng một ly sữa vào buổi chiều sẽ tốt hơn những thực phẩm này, TS. Bùi Thị Nhung khuyến cáo. Cũng theo TS. Bùi Thị Nhung, với trẻ ở các giai đoạn phát triển như 1000 ngày đầu đời hay tiền dậy thì là một cơ hội để trẻ tăng vọt chiều cao, cần phải có sự chuẩn bị tốt không chỉ sữa mà cả bữa ăn học đường cũng phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ; sữa là thành phần quan trọng trong bữa ăn học đường. Đặc biệt, theo khảo sát, khẩu phần canxi của người Việt hiện mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nên việc bổ sung thêm sữa là tốt hơn.

Nhiều phụ huynh lo lắng trẻ thừa cân béo phì khi sử dụng sữa ở trường, nhưng với những trẻ thừa cân béo phì vẫn cần canxi và thừa cân béo phì không phải do sữa mà là do chế độ ăn, những thức ăn nhanh, một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn một chiếc bánh bích quy, lon coca hay bánh giò, bánh rán…

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Triển khai chương trình ‘Sữa học đường’ tại Hà Nội: Quan trọng là công khai, minh bạch
Triển khai chương trình ‘Sữa học đường’ tại Hà Nội: Quan trọng là công khai, minh bạch

Ý nghĩa nhân văn của Đề án Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh (HS) tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020” (Đề án Chương trình “Sữa học đường”) rất rõ ràng, song quá trình triển khai thực hiện đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN