Thị trường chứng khoán ngày 15/6: Rủi ro vẫn còn cao

Mở cửa phiên giao dịch sáng 15/6, thị trường chứng khoán (TTCK) “dò dẫm” từng bước khá thận trọng với chỉ số tăng nhẹ. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, thị trường đã nhanh chóng rơi xuống tham chiếu. Càng về cuối phiên, lực bán liên tục gia tăng khiến thị trường chìm hẳn vào sắc đỏ và nhanh chóng “bốc hơi” gần 23 điểm.

Chú thích ảnh
Sắc đỏ tiếp tục lan rộng trong phiên giao dịch sáng ngày 15/6 với gần 650 mã giảm điểm. Ảnh chụp màn hình

Chốt phiên sáng ngày 15/6, VN-Index giảm hơn 12,3 điểm xuống còn 1.218 điểm; HNX-Index giảm 1,47 điểm xuống còn 285 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 420 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị thanh khoản 10.127 tỷ đồng.

Trong các nhóm ngành giảm mạnh, chứng khoán, tài chính khác và nông – lâm – ngư giảm mạnh nhất. Ngoài ra, cổ phiếu giảm mạnh trong phiên sáng phải kể đến các mã MBB, GVR, HPH, CTG… Ở chiều ngược lại, một số mã cổ phiếu tăng mạnh giúp thị trường thu hẹp khoảng cách giảm là GAS, MWG, VGC…

Nhiều nhà đầu tư cho biết, cứ tưởng sau thanh lọc thị trường trong tháng 5 vừa qua, TTCK sẽ quay đầu và đi lên, giúp các nhà đầu tư có thêm động lực lấy lại những gì đã mất. Thế nhưng, chỉ vài phiên tăng điểm, thị trường tiếp tục giảm sâu, nhất là trong phiên đầu tuần qua khiến các nhà đầu tư liên tục chán nản.

Chị Hải, nhà đầu tư có kinh nghiệm TTCK 4 năm than thở: “Sau những ngày đen tối chạy vạy vay tiền gia đình để bù margin và bình quân giá cổ phiếu trong rổ, giờ mình đã cạn tiền để tiếp tục bình quân giá được rồi. Buồn quá, không biết khi nào mới lấy lại được vốn đây!”.

Chú thích ảnh
Đã có lúc thị trường đã giảm gần 23 điểm vào gần cuối phiên. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, anh Quân, một nhà đầu tư “F0” cho biết: “Quan sát người bạn có kinh nghiệm chơi chứng khoán 11 năm, trong 2 năm dịch vừa qua tôi mới mạnh dạn tham gia thị trường. Quả thật, thời gian trước khi chứng kiến TTCK khủng hoảng trong tháng 5 vừa qua, tôi thấy mình cứ đầu tư đâu trúng đó nên rất ham, bao nhiêu tiền của trong nhà đều đổ vào chứng khoán, tiền lời cũng đổ vào mua tiếp. Giờ thì, tiền đã âm mà TTCK cứ tiếp tục đỏ sàn, hơn 1 tháng nay tôi không có đêm nào yên giấc…”.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán (CTCK), thị trường vẫn có nguy cơ giảm trở lại khá lớn, có thể thấy thanh khoản vẫn rất thấp. Hiện dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu phòng thủ như nhóm cổ phiếu sản xuất điện, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.

CTCK Yuanta Việt Nam dự báo, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu với tỷ trọng cổ phiếu phù hợp trong giai đoạn này là 25-30% danh mục.

Còn theo CTCK Vietcombank (VCBS), về góc nhìn kỹ thuật, trong kịch bản tích cực thì VN-Index sẽ tích lũy trở lại, tạo xu hướng điều chỉnh theo dạng sóng phẳng và dao động trong vùng điểm 1.230 – 1.300. Ngược lại, nếu diễn biến tiêu cực vẫn tiếp diễn, VN-Index sẽ có khả năng lui về vùng đáy cũ 1.170.

VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư kiên nhẫn đợi những tín hiệu rõ hơn từ thị trường và vẫn nên giữ tâm lý “phòng thủ” hơn là bắt đáy sớm trong giai đoạn này, nâng cao tỷ trọng tiền mặt khi thị trường có dấu hiệu thủng các vùng hỗ trợ mềm quanh 1.225 điểm. Nếu thị trường cho tín hiệu giao dịch sideway (đi ngang) như ở kịch bản tích cực thì nhà đầu tư có thể giải ngân với những cổ phiếu phục hồi tốt thuộc nhóm ngành hưởng lợi như dầu khí, điện, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Trong khi đó, CTCK Đông Á (DAS) cho rằng, việc hồi phục phiên 14/6 mang tính kỹ thuật sau khi có cú sốc giảm gần 100 điểm qua 3 phiên và thanh khoản bắt đáy cũng chưa đủ mạnh để tạo đà cho phiên tăng tiếp tục. Do đó, phiên sáng 15/6 tiếp tục giảm điểm là điều đương nhiên. Bởi hiện nay, nhà đầu tư đang hướng sự theo dõi sang thị trường chứng khoán thế giới để đánh giá ảnh hưởng lạm phát và các bước đi lãi suất của Fed đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vì thế, thị trường biến động khá rủi ro và cần thêm thời gian để tìm sự cân bằng trong bối cảnh vĩ mô mới.

Tuy nhiên, theo DAS, vẫn có nhiều cơ hội đầu tư dài hạn trên thị trường hiện nay do mặt bằng định giá cổ phiếu đang hấp dẫn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân bổ sung trong những nhịp điều chỉnh của thị trường, quan tâm các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xây dựng hạ tầng, cổ phiếu hàng không và cổ phiếu ngành điện.

Hải Yên/Báo Tin tức
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 14/6
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 14/6

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 14/6, sau tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu trong phiên trước đó, tuy nhiên hoạt động mua vào mạnh đã hạn chế phần nào mức sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN