Triển vọng và thách thức ngành ngân hàng- Bài cuối: Ngân hàng toàn cầu trụ lại trong môi trường nhiều thách thức

Trong năm 2023, lĩnh vực ngân hàng toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức trong môi trường lãi suất tăng, trong lúc một số nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ hoặc đình trệ, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng.

Tại Mỹ, khi nền kinh tế đối mặt với rủi ro suy thoái, các ngân hàng lớn đã phải tăng trích lập dự phòng. Trong khi đó, sự chậm trễ hơn của châu Âu trong việc tăng lãi suất lại phần nào đưa đến lợi thế cho các ngân hàng của khu vực.

Chú thích ảnh
Đồng USD tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Những yếu tố không chắc chắn

Các ngân hàng trên toàn cầu đang đối mặt với các yếu tố không chắc chắn, liên quan tới xung đột Nga-Ukraine, những gián đoạn chuỗi cung ứng, sự gia tăng lạm phát và việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ hay đình trệ.

Theo báo cáo Triển vọng các thị trường vốn và ngân hàng năm 2023 của hãng kiểm toán Deloitte, những tác động từ việc nền kinh tế toàn cầu mong manh hơn sẽ rất lớn trên toàn bộ lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng lớn, có giá trị vốn hóa cao, hoạt động đa dạng hóa sẽ ứng phó tốt hơn với các thách thức.

Tại Mỹ, triển vọng đối với các ngân hàng lớn đã bị che mờ bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp kích thích kinh tế đang dần đi tới hồi kết. Chi phí đi vay cao hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã làm giảm nhu cầu vay thế chấp và vay mua ô tô, trong khi làm tăng mức lãi suất tiền gửi mà các ngân hàng phải trả cho các khách hàng.

Fed đang tăng lãi suất mạnh mẽ trong nỗ lực kiểm soát lạm phát gần mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giá cả và chi phí vay cao hơn đã khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế chi tiêu. Với vai trò trung gian kinh tế, các ngân hàng chứng kiến lợi nhuận sụt giảm khi hoạt động kinh tế chậm lại.

Tại châu Âu, các hoạt động cho vay tập trung vào lĩnh vực năng lượng sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn, cùng với tác động của việc lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng vốn vay của ngân hàng. Mức độ tác động sẽ tùy thuộc vào tình hình nền kinh tế, các biện pháp mà các chính phủ thực hiện và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lãi suất tăng và lạm phát cao đã làm giảm khả năng trả lãi của người vay. Các doanh nghiệp lớn sẽ có vị thế tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khi nền kinh tế xấu đi. Các SME có thể có ít quyền định giá và tiếp cận hơn với các kênh huy động vốn đã bị hạn chế.

Sự thay đổi lớn trong lập trường chính sách tiền tệ của ECB đã dẫn tới việc lãi suất tăng suất mạnh. Tác động của việc lãi suất tăng đối với các ngân hàng phụ thuộc vào mô hình kinh doanh và các hoạt động thu lãi. Doanh thu của các ngân hàng có thu nhập lãi thuần (NII) là nguồn thu chính thay vì thu nhập từ phí và hoa hồng thuần có thể chịu tác động lớn hơn khi lãi suất thay đổi.

Các ngân hàng Mỹ tăng trích lập dự phòng

Các ngân hàng lớn nhất của phố Wall đã quyết định tăng trích lập quỹ dự phòng để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra, đồng thời thận trọng về dự báo tăng trưởng thu nhập trong một nền kinh tế không chắc chắn và lãi suất cao hơn làm gia tăng cạnh tranh về thu hút tiền gửi.

Bốn ngân hàng lớn của Mỹ quyết định dành tổng cộng khoảng 4 tỷ USD để dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, trong đó JPMorgan Chase & Co trích lập 1,4 tỷ USD, Wells Fargo & Co 957 triệu USD, Bank of America Corp 1,1 tỷ USD và Citi 640 triệu USD.

Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon cho biết nền kinh tế Mỹ hiện vẫn mạnh, người tiêu dùng vẫn chi tiêu các khoản tiền mặt dư thừa và các doanh nghiệp hoạt động tốt. Tuy nhiên, JPMorgan đã lưu ý về sự suy giảm nhẹ trong triển vọng kinh tế vĩ mô, cho rằng điều đó phản ánh khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ.

Ông Dimon cho biết đang có sự cạnh tranh về thu hút tiền gửi, vì lãi suất cao hơn khiến khách hàng muốn chuyển sang đầu tư và các lựa chọn thay thế tiền mặt khác. Điều đó nghĩa là ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất tiết kiệm.

Theo Bank of America, các khoản tiền gửi có chịu lãi suất trên toàn cầu của ngân hàng này đã tăng lên và ngân hàng đang trả lãi suất cao hơn cho những khoản tiền gửi đó để giữ chân khách hàng.

Giới quan sát cho hay ngành ngân hàng đang chứng kiến xu hướng tiền gửi trực tiếp chảy vào thị trường trái phiếu chính phủ hoặc các quỹ tiền tệ có lợi suất cao hơn. Xu hướng này sẽ chưa sớm biến mất

Bên cạnh đó, các chuyên gia lưu ý rằng NII của các ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn trong năm nay. JP Morgan, Wells Fargo và Bank of America đều đưa ra triển vọng đáng thất vọng hoặc không chắc chắn về NII.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết dự báo của JPMorgan về thu nhập lãi thuần đạt 74 tỷ USD là dưới mức mong đợi. JPMorgan trong một cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh cũng thừa nhận triển vọng NII đặc biệt không chắc chắn.

Tương tự, Bank of America cho biết triển vọng lãi suất còn quá nhiều bất ổn để dự báo về NII cho năm nay. Wells Fargo dự báo NII tăng 10% trong năm nay so với năm 2022, thấp hơn ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv về mức tăng trưởng 16%. Citi cũng ước tính NII vào khoảng 45 tỷ USD cho năm 2023, so với 43,5 tỷ USD vào năm 2022.

Ông David Fanger, quan chức cấp cao tại Moody’s Investors Service, nhận định thời kỳ chất lượng tín dụng cao đang khép lại. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, chỉ số KBW của cổ phiếu ngân hàng đã tăng khoảng 4% trong tháng 1/2022 sau khi giảm gần 28% trong năm ngoái.

Cổ phiếu ngân hàng châu Âu còn dư địa để phục hồi

Chú thích ảnh
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cố phiếu của các ngân hàng châu Âu vẫn ở mức rẻ và có thể có nhiều dư địa để phục hồi trong thời gian tới, sau khi các ngân hàng trong khu vực chứng kiến hoạt động đầy khởi sắc trong quý IV/2022, với mức tăng trưởng thu nhập cao nhất trong 15 năm.

Số liệu kinh tế không xấu như nhiều người lo ngại, khi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ chỉ đình trệ thay vì suy giảm, trong khi chi phí đi vay vẫn tăng.

Chỉ số ngành ngân hàng STOXX đã tăng gần 20% kể từ đầu năm 2023, lên mức cao nhất trong 5 năm. Giá cổ phiếu của ngân hàng UniCredit đã ghi nhận mức tăng "khủng" 35% kể từ đầu năm nay, với việc ngân hàng Italy này đã khích lệ các nhà đầu tư bằng cách cam kết trả lại 5,25 tỷ euro (5,58 tỷ USD) từ thu nhập năm 2022 sau khi đạt mức lợi nhuận hàng quý cao kỷ lục.

Chiến dịch tăng lãi suất của ECB nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% đã mang lại lợi ích cho các ngân hàng tại Eurozone. Một số dự báo về việc ECB tăng lãi suất đã khiến giá cổ phiếu tăng cao hơn, nhưng các nhà phân tích đánh giá rằng giá cổ phiếu hiện có thể vẫn rẻ so với mức trung bình trong lịch sử.

Nhà quản lý danh mục đầu tư toàn cầu tại PineBridge, Hani Redha, cho biết rất nhiều tin tốt về việc lợi suất đã tăng lên và việc không diễn ra suy thoái kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu.

Theo Refinitiv Datastream, giá cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu đang giao dịch ở mức giá chỉ bằng 0,73 lần so với giá trị sổ sách. Con số này thấp hơn mức trung bình 20 năm và rẻ hơn nhiều so với các ngân hàng ở Mỹ.

Với việc ECB chậm hơn so với các ngân hàng trung ương Anh và Fed, vốn đã bắt đầu tăng lãi suất từ nhiều tháng trước đó, các chiến lược gia cho biết doanh thu của các ngân hàng trong khu vực này vẫn đang còn dư địa để tăng trưởng.

Trong khi đó, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các ngân hàng tại Eurozone đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Lê Minh/TTXVN (Tổng hợp)
Triển vọng và thách thức ngành ngân hàng - Bài 3: Nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ 'quét rác dưới thảm'
Triển vọng và thách thức ngành ngân hàng - Bài 3: Nợ xấu không thể tự biến mất nếu chỉ 'quét rác dưới thảm'

Ngành ngân hàng Việt Nam đang có những kỳ vọng lớn cho nhiều cơ hội phát triển trong năm 2023. Song, vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tình hình nợ xấu có nguy cơ xấu đi… đang gây áp lực không nhỏ lên hoạt động ngân hàng, đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN