Nhà báo Vũ Tâm - một đời tận tụy với nghề

Nhớ đến nhà báo Vũ Tâm, tôi không bao giờ quên lần đầu gặp anh vào năm 1973, trong một hang núi cao và rộng, nơi tỉnh uỷ Ninh Bình sơ tán.

Dưới ánh đèn bão lờ mờ, anh giúp tôi căng màn trên tấm ván kê ở góc hang, vừa làm vừa dặn:

- Cậu cẩn thận, trong hang có rắn. Đã có lần rắn quăng từ vách núi vào cả đình màn khi anh em đang ngủ ở đây!

Đêm ấy tôi trằn trọc mãi không ngủ được, với nỗi lo có chú rắn nào rơi lên đình màn của mình. Trong khi ấy ngoài kia, cả tỉnh Ninh Bình mênh mông lũ lụt sau bão lớn. Nước sông Hoàng Long đang dâng nhanh, đe dọa cuộc sống cả một vùng.

Đài Độc Lập, Thủ đô Phnom Pênh những ngày đầu giải phóng. Từ phải sang: Nhà báo Vũ Tâm, hai PV của Quân đoàn 4- Xuân Trường, Vũ Hưng - Nhà báo  Trần Mai Hưởng

Tôi vừa ở Quảng Trị ra, mới về Tiểu ban nông nghiệp - Ban Tin Ảnh Miền Bắc, thì được cử đi tăng cường về Ninh Bình đưa tin chống lụt bão. Các anh ở ban cho biết có anh Vũ Tâm, mới chuyển từ đại học lâm nghiệp sang, đang là phóng viên thường trú ở tỉnh, về gặp anh để phối hợp công tác. Lần ấy, hai anh em chia nhau về các địa bàn trong tỉnh, phối hợp cùng nhau làm tin bài, phản ánh những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Ninh Bình khắc phục hậu quả bão lũ, bảm đảm đời sống cho người dân, phục hồi sản xuất. Một kỷ niệm khó quên với nhà báo Vũ Tâm 45 năm trước.

Nhà báo Vũ Tâm (trái) trên đường công tác trên đất bạn.

Đầu năm 1979, tôi lại có dịp làm việc cùng với anh Vũ Tâm trên đất Campuchia. Sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Phnom Pênh, tôi tiếp tục ở lại làm việc trong đoàn chuyên gia S78 của TTXVN vừa được tăng cường hàng loạt cán bộ tổng xã sang, trong đó có anh Vũ Tâm. Nhà báo Trần Hữu Năng, phụ trách đoàn, đã phân công anh Vũ Tâm làm tổ trưởng gồm phóng viên ảnh Bùi Tiến Lợi, tôi và anh Phạm Văn Thu, lái xe, về thường trú tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4. Nhiệm vụ của tổ phóng viên là hoạt động trên địa bàn Quân đoàn phụ trách, một vùng rộng lớn các tỉnh Cam Bốt, Tà Keo, Công Pông Chnăng , Bát Tam Bang... để thông tin mọi mặt về quá trình giành dân, giữ đất, truy quét quân Pol Pot, xây dựng chính quyền và cuộc sống mới của nhân dân Campuchia.

Mặc dù Bộ Tư lệnh đóng không xa Phnom Pênh nhưng tổ phóng viên sinh hoạt hẳn với Quân đoàn, có việc cần mới về đoàn chuyên gia.

Nhà báo Vũ Tâm (phải) và Nhà báo Chu Chí Thành.

Đấy là những ngày tháng hết sức gian nan. Những trận đánh vẫn tiếp diễn. Đi trên địa bàn nào cũng có thể gặp tàn quân Pol Pot. Một mùa khô nắng cháy thiếu rau xanh. Một môi trường ô nhiễm từng con lạch nhỏ... Chúng tôi đã sống với nhau những ngày tháng ấy cùng những người lính tình nguyện. Anh Vũ Tâm là tổ trưởng, là người anh cả, luôn biết động viên mọi người vượt lên, hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ sao mỗi lần đi địa bàn về, bài ảnh xong xuôi, buổi tối mấy anh em cùng các bạn ở Cục chính trị quân đoàn chơi bài tiến lên, ai thua bôi nhọ nồi lên mặt, cười vang cả nhà. Nhớ sao lần ấy, tôi lên cơn đau quặn giữa đêm; anh Vũ Tâm cõng tôi qua mấy tầng cầu thang xuống xe để đến bệnh xá quân đoàn cấp cứu. Những lần học lái ô tô do Phạm Văn Thu dạy, mấy anh em hết lên bờ lại xuống ruộng qua những đường phum nhỏ gập ghềnh trên đất bạn...

Dạo ấy, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Chúng tôi ai cũng lo cho gia đình. Chị Trịnh Thơ Thơ, vợ anh, là con bác Trịnh Hải, từng là Trưởng phòng tin Miền Nam của TTXVN, là chỗ thân quen với gia đình bên vợ tôi. Có lần đi giao ban về, anh báo tin:

- Sáng nay mình gặp cụ Đỗ Phượng mới ở Hà Nội sang. Ở nhà vẫn ổn. Bà Thơ và cô Vân nhà cậu lên tận cơ quan, gặp cụ Phượng hỏi tin tức hai thằng mình vì nghe đồn có người hy sinh... Các bà ấy nhắn cứ yên tâm. Tình hình phía Bắc rất căng. Hà Nội có cả phương án sơ tán, nếu sao thì cũng có cơ quan, có mọi người, đừng lo !

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng khi ấy kiêm trưởng đoàn chuyên gia TTXVN ở Campuchia, hay đi về giữa Phnom Pênh - Hà Nội. Cùng với anh Vũ Tâm và các đồng nghiệp, chúng tôi đã sống qua những ngày tháng không quên ấy.

Nhà báo Vũ Tâm (thứ ba từ trái sang) và các đồng nghiệp.

Sau khi từ Campuchia trở về, tôi không có dịp làm việc cùng anh Vũ Tâm nhưng rất mừng theo dõi những bước tiến trong nghề nghiệp của anh. Với bút danh Thơ Linh Cơ, anh đã là nhà báo được nhiều bạn đọc biết đến khi cùng anh Nguyễn Đức Giáp, Trần Mai Hạnh... ở báo Tuần Tin tức tham gia trong vụ đấu tranh chống tiêu cực với Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hóa Hà Trọng Hòa.

 Những năm 90, một thời gian anh Vũ Tâm làm Tổng biên tập báo Tin Tức Buổi chiều, tham gia Ban thường vụ Đảng uỷ ngành, rồi làm Chánh thanh tra cơ quan TTXVN trước khi nghỉ hưu. Anh mất năm 2009, thọ 72 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, trong sự thương tiếc khôn nguôi của gia đình, người thân và bạn bè.

Nhà báo Vũ Tâm và tôi đã có những năm tháng gắn bó, tình cảm anh em, đồng nghiệp sâu nặng. Anh là một hình ảnh của lớp cán bộ, phóng viên TTXVN giàu năng lực, gắn bó, tận tâm với nghề, tình nghĩa với người; một thế hệ đã viết nên những trang vàng trong lịch sử của cơ quan thông tấn quốc gia. Những kỷ niệm về anh còn mãi trong tôi.

Trần Mai Hưởng
Đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm, chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
Đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm, chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

Chiều 15/6, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đến thăm, chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên kỹ thuật viên, người lao động của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN