Đắk Lắk nâng cao năng suất, chất lượng mật ong

Tỉnh Đắk Lắk đang hướng dẫn các nông hộ nuôi ong thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng ong mật nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng thu nhập cho các hộ nuôi ong.

Chị Hoàng Thị Mai ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chăm sóc đàn ong.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ nuôi ong về quy trình kỹ thuật nuôi ong lấy mật, các sản phẩm mật ong; trong đó, tập trung vào quy trình thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi ong an toàn (chương trình VietGAHP), những kiến thức cơ bản về đàn ong.

Các đơn vị chức năng cũng tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi ong về việc chuẩn bị địa điểm trong từng mùa, dụng cụ nuôi, công tác thú y, khai thác mật…để đạt năng suất cao, chất lượng mật ong tốt.
         
Phát huy thế mạnh của một địa phương có điều kiện khí hậu, đất đai, có nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng, nhất là dồi dào về nguồn hoa cà phê, cao su, cây ăn quả nên trong mấy năm qua, Đắk Lắk đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vay vốn đầu tư phát triển đàn ong mật đưa nghề nuôi ong trở thành ngành nuôi ong mật hàng hóa.

Hiện nay, tỉnh đã có trên 1.500 hộ nuôi ong, với 201.000 đàn ong, chủ yếu là đàn ong ngoại nhập, sản lượng mỗi năm đạt từ 8.400 tấn đến trên 10.000 tấn mật ong xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức… Đây cũng là địa phương có đàn ong và sản lượng mật ong nhiều nhất khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Nhờ phát triển nghề nuôi ong, nhiều hộ gia đình ở các địa phương như Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk… đã vươn lên làm giàu, có gia đình mỗi năm thu hàng tỷ đồng như gia đình anh Nguyễn Huy Bát, ở phường Tân Tiến có 3.000 đàn ong mật giống nhập ngoại, mỗi năm khai thác trên 100 tấn mật thu lãi hàng tỷ đồng…

Tin, ảnh: Quang Huy (TTXVN)
Phát triển bền vững ngành ong mật hàng hóa ở Tây Nguyên
Phát triển bền vững ngành ong mật hàng hóa ở Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện đã có nhiều nông hộ, doanh nghiệp đầu tư phát triển đưa nghề nuôi ong trở thành ngành nuôi ong mật hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN