Bầu cử Mỹ: Các chuyên gia lo ngại hệ thống bỏ phiếu quá cũ kỹ

Các chuyên gia bầu cử lâu nay đã cảnh báo về hệ thống thiết bị bỏ phiếu cũ kỹ của Mỹ. Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ diễn ra hôm 6/11 vừa qua đã một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp hệ thống này.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Arlington, Virginia, Mỹ ngày 6/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng các thiết bị phục vụ công tác bỏ phiếu gặp sự cố đã được ghi nhận tại nhiều khu vực bầu cử, đặc biệt là khi số lượng cử tri dồn về đông. Cụ thể, các máy quét được sử dụng để ghi nhận phiếu bầu đã bị hỏng tại thành phố New York; các máy bỏ phiếu bị trục trặc hoặc ngừng hoạt động ở Detroit; thiết bị điện tử được sử dụng để kiểm tra cử tri không thể hoạt động ở bang Georgia, máy đọc kết quả phiếu bầu không hoạt động ở hạt Wake, thuộc bang North Carolina...

Trên thực tế, có tới 41 bang ở nước Mỹ sử dụng các thiết bị phục vụ bỏ phiếu đã được sản xuất từ cách đây hơn10 năm, trong khi nhiều bang sử dụng ít nhất một máy điện tử không có bộ phận in dữ liệu bỏ phiếu của cử tri - vốn rất quan trọng trong trường hợp xảy ra tranh cãi về kết quả.

Nhiều điểm bỏ phiếu không có các kỹ thuật viên túc trực để giải quyết khi máy móc gặp sự cố. Trong khi đó, tại nhiều điểm bỏ phiếu, giới chức thậm chí vẫn sử dụng các hệ điều hành Window đã lỗi thời của Microsoft. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định các sự cố nêu trên không gây ảnh hưởng lớn tới việc bỏ phiếu của các cử tri.   

Các chuyên gia về bầu cử hy vọng nguy cơ về sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Mỹ sẽ thúc đẩy việc nâng cấp hệ thống máy móc phục vụ bầu cử, đặc biệt khi chỉ còn 2 năm nữa (năm 2020), nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Trước kỳ năm nay, từ đầu năm, Quốc hội Mỹ đã duyệt chi 380 triệu USD cho các bang để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng bỏ phiếu. Tuy nhiên, con số này không thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế lên tới 1 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, ngày 7/11, nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Florida - ông Bill Nelson đã kêu gọi kiểm phiếu lại trong cuộc chạy đua vào Thượng viện với Thống đốc bang này, nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott.

Tờ New York Times cho biết tính tới 9 giờ 14 phút ngày 8/11 (giờ Việt Nam), ông Scott chỉ dẫn trước ông Nelson vỏn vẹn 0,4%. Ông Marc Elias, luật sư đại diện cho chiến dịch tranh cử của nghị sĩ Dân chủ Nelson, cho biết: "Một lượng lớn lá phiếu chưa được kiểm, và bởi quy mô của bang Florida, chúng tôi tin kết quả bầu cử vẫn là ẩn số và cần sự kiểm phiếu lại".

Theo thông báo từ đội ngũ bầu cử của ông Nelson, ông Scott đã quá vội vã khi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, và viện dẫn thông tin truyền thông về các vấn đề liên quan hệ thống bỏ phiếu và những bất thường khác trong quá trình bỏ phiếu. Thông báo nhấn mạnh luật của bang yêu cầu tiến hành kiểm phiếu lại khi sự chênh lệch lá phiếu giữa các ứng cử viên dưới 0,5%.

Thanh Phương (TTXVN)
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bị cách chức tác động gì tới điều tra Nga can thiệp bầu cử
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ bị cách chức tác động gì tới điều tra Nga can thiệp bầu cử

Việc Tổng thống Donald Trump cách chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 7/11 đã khiến giới quan sát đổ dồn quan tâm vào vụ điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ của cố vấn đặc biệt Robert Mueller.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN