Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đối mặt với sức ép từ chức

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đang đối mặt với sức ép yêu cầu ông từ chức từ một số ứng cử viên của đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, liên quan đến việc ông xử lý nội dung báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Tư pháp William Barr điều trần tại Tiểu ban Khoa học -Tư pháp và Thương mại Quốc hội Mỹ tại Washington DC., ngày 9/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Cho đến nay, đã có ít nhất 6 ứng cử viên kêu gọi Bộ trưởng Barr từ chức, cáo buộc ông bóp méo sự thật và ra sức bảo vệ Tổng thống Donald Trump, đồng thời đặt câu hỏi vì sao ông phải mất tới 2 ngày sau khi nhận tài liệu dày 448 trang từ ông Mueller hồi tháng 3, mới đưa ra kết luận không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Điện Kremlin.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren, đại diện bang Massachusetts, đồng thời là ứng cử viên tranh cử tổng thống, coi ông Barr là "sự hổ thẹn", cho rằng ông đã nỗ lực lái nội dung báo cáo của ông Mueller. Bà Warren cũng liên tục kêu gọi Quốc hội bắt đầu các thủ tục luận tội chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Thượng nghị sĩ Dân chủ Kamala Harris, đại diện bang California - một cựu công tố viên, cũng cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Barr nên từ chức. Theo bà, ông Barr đã đưa ra quyết định mà không xem xét các bằng chứng. Điều này cho thấy ông Barr thiếu uy tín cũng như gây tổn thương đến người dân Mỹ.

Trong một phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand, đại diện New York cũng yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp từ chức, cho rằng ông chỉ "quan tâm đến việc bảo vệ Tổng thống hơn là phục vụ nhân dân Mỹ".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã từ chối điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ trong ngày 2/5 về báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Theo Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler, Bộ trưởng Barr cũng đã từ chối cung cấp cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện toàn văn báo cáo chưa qua chỉnh sửa của công tố viên Mueller, mà nguyên do có lẽ là vì ông Barr không muốn bị chất vấn trước luật sư và các thành viên của ủy ban trên.

Trước đó, tại phiên điều trần kéo dài 4 giờ tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 1/5, ông Barr cũng bác bỏ các cáo buộc mà các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện đưa ra, theo đó, cho rằng ông đã che giấu sự thật trong bản báo cáo của ông Mueller nhằm bảo vệ Tổng thống Donald Trump. 

Đầu tháng 4 vừa qua, công tố viên đặc biệt Mueller đã thông báo kết quả cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng sau khi nộp bản báo cáo đầy đủ cho Bộ trưởng Barr. Theo kết luận điều tra, không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Điện Kremlin.

Hôm 18/4, Bộ trưởng Tư pháp Barr đã chuyển tới Quốc hội bản báo cáo điều tra của Công tố viên Mueller, trong đó cho biết trong quá trình điều tra, Tổng thống Trump đã liên tiếp tìm cách cản trở Công tố viên Mueller. Tuy nhiên, ông Mueller không xác nhận việc Tổng thống Trump có phạm tội cản trở công lý hay không mà để Quốc hội quyết định điều này.

Trong khi đó, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát không muốn chỉ được xem phiên bản đã qua chỉnh sửa và phần tóm tắt kết luận trong bản điều tra, nên đang gây sức ép để được tiếp cận với báo cáo đầy đủ của công tố viên đặc biệt Mueller.          

Đại Thắng - Ngọc Hà (TTXVN)
Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu Iran
Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu Iran

Ngày 2/5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN