Brazil: Cuộc bầu cử khôi phục lòng tin

Gần 150 triệu cử tri Brazil sẽ bước vào cuộc bầu cử quan trọng ngày 7/10 để lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Michel Temer, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một giai đoạn đầy biến động.

Những vụ bê bối dính líu tới nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn, những mâu thuẫn căng thẳng giữa các đảng phái, sự phân rẽ trong xã hội, nền kinh tế rơi vào giai đoạn suy thoái dài nhất trong lịch sử và tình hình bạo lực vẫn gia tăng phần nào khiến người dân hoang mang và mất lòng tin.

Chú thích ảnh
Cựu Thị trưởng Sao Paulo Fernando Haddad (giữa, trái) tại lễ tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Brazil ở Curitiba ngày 11/9. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù có tới 10 ứng cử viên tham gia chiến dịch tranh cử, song trên thực tế cử tri Brazil chỉ chú ý tới một số gương mặt nổi bật, như ông Jair Bolsonaro của đảng Xã hội tự do (PSL) cực hữu và ứng cử viên Fernando Haddad của đảng Lao động (PT), cùng các ứng cử viên Ciro Gomes của đảng Dân chủ Lao động (PDL), Geraldo Alckmin của đảng Xã hội Dân chủ Brazil (PSDB) và Marina Silva thuộc đảng Mạng lưới bền vững (Red).

Đến thời điểm một ngày trước cuộc bầu cử, đại diện của PSL và PT được đánh giá là có tiềm năng nhất. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Viện Dư luận và thống kê Brazil (Ibope), ông Bolsonaro đang nhận được sự ủng hộ cao nhất với khoảng 31%, trong khi ông Haddad là người đứng ngay sau với 21%. Các ứng cử viên còn lại đều có tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp và khó có khả năng cạnh tranh.

Tại cuộc bầu cử lần này, đảng PT đã gặp bất lợi lớn khi buộc phải “thay ngựa giữa dòng”. Ứng cử viên mà đảng này đề cử ban đầu là cựu Tổng thống Luiz Ignacio Lula da Silva, một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên chính trường Brazil trong nhiều năm trở lại đây và có tỷ lệ ủng hộ vượt trội trước đó, đã bị Tòa án Bầu cử quốc gia Brazil bác quyền tranh cử do đang phải chấp hành án tù giam. Người thay thế là cựu Thị trưởng thành phố Sao Paulo, Fernando Haddad mới chỉ chính thức bước vào cuộc vận động tranh cử cách đây vài tuần.

Mặc dù đã từng giữ cương vị bộ trưởng Giáo dục dưới thời các tổng thống Lula da Silva và Dilma Rousseff lẫn vị trí Thị trưởng Sao Paulo, song trên thực tế, đến trước chiến dịch tranh cử lần này, ông Haddad vẫn là một chính trị gia ít tên tuổi. Được đánh giá có nhiều đóng góp cho chính phủ trong những năm đảng PT cầm quyền, nhưng ông Haddad vẫn chỉ đóng vai trò là một “chiến binh thầm lặng”, chưa đủ sức tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong dư luận.

Chính vì vậy, thời gian chưa đầy một tháng để thay đổi hình ảnh, tạo lòng tin về một sự kế tục xứng đáng cho nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn lao như ông Lula da Silva, quả là một thách thức không nhỏ đối với chính trị gia 55 tuổi này. Dư luận cho rằng ông Haddad cần phải “rũ bỏ” phong cách thầm lặng và kín tiếng thường thấy của một người xuất thân từ công tác nghiên cứu hàn lâm để dấn thân vào đời sống thực tế, sâu sát với các tầng lớp nhân dân. Đây là biện pháp có thể giúp ông thu hút được các khối cử tri vốn luôn dành sự ủng hộ cho cựu Tổng thống Lula da Silva, đặc biệt là tầng lớp người nghèo từng được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình xã hội dưới thời của nhà lãnh đạo cánh tả nổi tiếng này.

Mặt khác, đảng PT cũng bị tác động không nhỏ bởi vụ bê bối tham nhũng trong tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras bị phanh phui hồi năm 2014 dẫn tới việc hàng loạt nhân vật cao cấp trong chính quyền bị vướng vào vòng lao lý. Tiếp theo đó là chiến dịch “Lava Jato” điều tra mạng lưới hối lộ, rửa tiền khổng lồ của tập đoàn xây dựng Brazil Odebrecht kéo dài trong hơn 3 năm, liên quan tới hàng trăm quan chức cao cấp, nghị sỹ và doanh nhân. Những vụ bê bối lớn này cũng phần nào tác động tới việc bà Dilma Rousseff bị Quốc hội phế truất khỏi cương vị tổng thống vào năm 2016 bởi những cáo buộc về việc che giấu thâm hụt ngân sách, cũng như vi phạm các quy định điều hành và quản lý đất nước.

Trong bối cảnh lòng tin vào đảng truyền thống đang bị suy giảm ở một bộ phận cử tri, nghị sỹ Jair Bolsonaro, một nhân vật cực hữu, xuất hiện như một ứng cử viên tiềm tàng, có khả năng cản trở đảng PT trở lại nắm quyền. Xuất phát điểm là một sỹ quan quân đội, ông Bolsonaro bắt đầu nổi lên trên chính trường Brazil từ đầu năm 2017 khi thể hiện một quan điểm khác biệt so với các đảng truyền thống, từ việc bảo vệ những giá trị gia đình truyền thống, phản đối hôn nhân đồng giới, cam kết về một “bàn tay sắt” để xử lý vấn đề tham nhũng và tình trạng tội phạm có tổ chức ngày một gia tăng, cho tới cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm trong những năm qua tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo giới chuyên gia, kể từ sau khi nền dân chủ được khôi phục tại Brazil năm 1985, chưa bao giờ có một đảng cực hữu đủ lớn mạnh để có thể cạnh tranh trên chính trường. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong những năm vừa qua, dường như người dân nước này đang tìm kiếm một sự thay đổi triệt để và vì vậy ứng cử viên Bolsonaro có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc bầu cử năm nay.

Bên cạnh đó, những khác biệt, như sự đa dạng về xã hội, dân tộc, vùng miền và giới tính, có thể trở thành một vấn đề chính trị ở Brazil. Trước đây, những khác biệt này có thể không phải là vấn đề đáng ngại bởi trong xã hội Brazil vẫn duy trì được sự khoan dung, sự cân bằng về quyền lực và pháp luật, cũng như sự linh hoạt trong giải quyết các lợi ích khác nhau.

Tuy nhiên, giờ đây những khác biệt đó đang trở thành những vấn đề không thể chia sẻ. Các tầng lớp, hội nhóm trong xã hội đã trở nên khép kín và chỉ bảo vệ những lợi ích cụ thể của họ. Đó cũng là lý do khiến vai trò của một đảng có quan điểm cực hữu như PSL nổi lên tại Brazil trong những năm gần đây và thu hút sự ủng hộ của một bộ phận xã hội.

Trong các cuộc thăm dò thời gian gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Bolsonaro liên tục gia tăng, đặc biệt tại các trung tâm lớn như thủ đô Brasilia hay thành phố Rio de Janeiro thì sự ủng hộ dành cho ứng cử viên đảng PSL tỏ ra vượt trội so với các ứng cử viên còn lại.

Với tình thế hiện tại, khi sự ủng hộ đang bị chia sẻ cho nhiều ứng cử viên,  nhiều khả năng cả hai ông Haddad và Bolsonaro không thể đạt được tỷ lệ ủng hộ từ 50% trở lên theo luật định để có thể chiến thắng ngay tại vòng một. Khi đó cuộc đua sẽ thực sự gay cấn khi chỉ còn 2 ứng cử viên trực tiếp đối đầu với nhau và ai thu hút được nhiều phiếu bầu của các ứng cử viên đã bị loại ở vòng một sẽ trở thành chủ nhân mới của Cung Planalto (Phủ tổng thống của Brazil) tại Brasilia.

Dù là phe cực hữu hay cánh tả chiến thắng lần này thì vấn đề quan trọng hàng đầu của Brazil trong những năm tới vẫn là việc ổn định tình hình chính trị, tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh xã hội để từng bước khôi phục vị thế vững mạnh thực sự của Brazil tại khu vực và trên thế giới.

Hoài Nam ( Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ )
Cựu Tổng thống Brazil rút tranh cử tổng thống dù đang dẫn đầu mọi cuộc thăm dò
Cựu Tổng thống Brazil rút tranh cử tổng thống dù đang dẫn đầu mọi cuộc thăm dò

Ngày 11/3, cựu Tổng thống Brazil Lula Inácio da Silva đã tuyên bố chính thức rút lui khỏi cuộc tranh cử tổng thống và để người liên danh ứng cử phó tổng thống với mình, Fernando Haddad, ra ứng cử thay thế trong cuộc bầu cử vào tháng 10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN