Ca mắc COVID-19 gia tăng, Australia siết chặt kiểm soát đi lại trong nước

Với việc đưa ra các quy định mới đối với người dân đến từ hai bang Queensland và Tasmania, chính quyền bang Tây Australia của Australia đã quyết định thắt chặt hơn việc kiểm soát hoạt động đi lại với các bang khác trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng trong nước.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, từ 12h01 ngày 20/12, để được vào bang trên, những người từ bang Queensland phải có giấy miễn trừ và thực hiện cách ly hai tuần do cảnh báo về mức độ rủi ro dịch bệnh ở bang này đã được nâng từ mức "thấp" lên mức "trung bình". Ngoài ra, tất cả những du khách phải tiêm đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 72 giờ trước khi khởi hành và thực hiện thêm các xét nghiệm vào ngày thứ 12 sau khi đến WA.

Đối với bang Tasmania, chính quyền bang Tây Australia cũng nâng mức cảnh báo về rủi ro do COVID-19 từ mức "rủi ro rất thấp" lên "rủi ro thấp", có nghĩa là khách du lịch phải tự cách ly trong 14 ngày và xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi đến bang này và trong ngày thứ 12. Cùng với đó các du khách cũng phải được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Theo Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan, số trường hợp mắc COVID-19 đang tăng ở các bang có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và dự kiến số ca mắc bệnh sẽ còn tiếp tục tăng ở những khu vực này. Ông cho biết thêm bang Queensland đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 sau khi nới lỏng các yêu cầu về kiểm dịch đối với các khu vực không có ca mắc bệnh. Ông nêu rõ để đảm bảo an toàn cho người dân Tây Australia trước khi triển khai áp dụng Kế hoạch Chuyển đổi an toàn của chính quyền địa phương, các biện pháp kiểm soát ranh giới sẽ được tăng cường đối với các bang Queensland và Tasmania. Bang này tiếp tục "đóng cửa" với người dân từ hai bang Victoria và South Wales (NSW), đều đang xếp ở mức "rủi ro cực kỳ cao". 

Trong một diễn biến khác liên quan, chính quyền vùng lãnh thổ thủ đô của Australia (ACT) cho biết việc đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở Canberra đã được triển khai ngày 20/12 và lịch tiêm sẽ được cong bố vào ngày 10/1/2022.

Theo Bộ trưởng Y tế của ACT Rachel Stephen-Smith, mặc dù trẻ nhỏ ít có nguy cơ bị tác động nặng nề do COVID-19, nhưng đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm ở trẻ em trong suốt đại dịch. Bà Stephen-Smith chia sẻ “Tôi biết nhiều bậc cha mẹ ở Canberra rất muốn con mình đi tiêm chủng để chúng được bảo vệ tốt hơn khỏi tác động của COVID-19. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã được phê duyệt và được khuyến nghị là loại vaccine an toàn và hiệu quả, nhưng nếu các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhỏ có thắc mắc về việc tiêm chủng cho con con cái họ, họ nên trao đổi với những chuyên gia y tế đáng tin cậy".

Trong khi đó, tại New Zealand, ngày 20/12, Bộ Y tế nước này cho biết đã phát hiện thêm 9 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong số các khách du lịch quốc tế, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm biến thể này lên 22 ca.

Theo bộ trên, toàn bộ các trường hợp bị nhiễm biến thể Omicron ở New Zealand cho đến nay vẫn được giám sát cách ly, ngoại trừ một trường hợp hiện đã hồi phục và được xuất viện. 69 ca lây nhiễm cộng đồng khác đã được báo cáo trong cùng ngày, nâng tổng số trường hợp được xác nhận trong đợt bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng hiện tại của New Zealand lên 10.289 trường hợp.

Văn Khoa (TTXVN)
Thái Lan ghi nhận khoảng 80 ca nhiễm biến thể Omicron
Thái Lan ghi nhận khoảng 80 ca nhiễm biến thể Omicron

Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận khoảng 80 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 52 ca được phát hiện trong thời gian từ ngày 11-19/12.         

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN