Chuyện những người phát thực phẩm cho bệnh nhân COVID-19 mắc kẹt tại nhà

Khi các ca COVID-19 tăng vọt ở thủ đô Indonesia, những tình nguyện viên như Badie Uzzaman đã vượt qua nỗi sợ hãi, hàng ngày đến giao thực phẩm miễn phí cho những người dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng buộc phải cách ly tại nhà vì các cơ sở y tế không còn giường bệnh.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Indonesia Dompet Dhuafa phân phát thức ăn miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 đang phải tự cách ly ở Nam Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia, hôm 11/7. Ảnh: Reuters

Badie Uzzaman, 26 tuổi, lái chiếc xe ba bánh đến nhà một bệnh nhân COVID-19, đặt hộp cơm bên ngoài và thông báo từ xa rằng thức ăn của họ đã đến.

"Thực sự tôi cảm thấy rất sợ", Badie, một trong bốn tình nguyện viên cung cấp thức ăn cho 70 ngôi nhà ở Jakarta, Indonesia, 3 lần mỗi ngày, cho biết. "Tôi lo lắng suốt vì tôi có thể sẽ lây virus cho người thân của mình khi trở về nhà sau giờ làm việc."

Chú thích ảnh
Nhóm tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn miễn phí cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Reuters

Badie làm việc cho tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Dompet Dhuafa, hay còn gọi là "Chiếc ví của người nghèo". Tổ chức này lập ra các nhà bếp với mục đích cung cấp thức ăn miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 phải tự cách ly ở nhà, trong bối cảnh hầu hết bệnh viện ở Indonesia đều không còn giường điều trị. Dompet Dhuafa đang dự định mở thêm hai bếp nữa, sau khi một số bà nội trợ ngỏ ý giúp tham gia nấu cơm, hỗ trợ gà và rau củ.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Indonesia Dompet Dhuafa. Ảnh: Reuters

Trong những ngày gần đây, các ca nhiễm mới do biến thể Delta nguy hiểm hơn gây ra, đang ngày càng gia tăng ở quốc gia đông dân thứ 4 thế giới. 

“Nhiều bệnh viện đã kín chỗ. Chúng tôi quyết định tạo ra bếp này để giúp đỡ mọi người. Chúng tôi muốn cung cấp cho họ thức ăn bổ dưỡng, giúp tăng cường hệ miễn dịch để họ có thể hồi phục càng sớm càng tốt", anh Ahmad Yamin, điều phối viên của tổ chức, cho biết.

Chú thích ảnh
Badie Uzzaman, 26 tuổi, tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Indonesia Dompet Dhuafa, trò chuyện với một bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Reuters

Khi khoảng 90% giường bệnh tại các bệnh viện ở thủ đô Jakarta đã kín chỗ, bệnh nhân COVID-19 có rất ít khả năng tìm được giường để điều trị. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của họ là tự cách ly, chờ bình phục tại nhà và hạn chế lây lan virus SARS-CoV-2 cho người khác.

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế chuyển thi thể của một nạn nhân COVID-19 tử vong khi cách ly tại nhà ở Bandung hôm 18/7. Ảnh: AFP

Quốc gia hơn 270 triệu dân đã vượt Ấn Độ về số ca bệnh theo ngày, trở thành tâm dịch mới của châu Á. Indonesia ghi nhận gần 57.000 ca trong 24 giờ vào tuần trước, trong khi số ca tử vong theo ngày cũng tăng gấp đôi hồi đầu tháng 7, lên mức khoảng 1.000 ca một ngày.

Dẫu vậy, anh Badie và nhiều tình nguyện viên khác đã vượt qua nỗi sợ để nhận công việc phát thức ăn, giúp các bệnh nhân tự cách ly ở nhà mau bình phục.

"Sau tất cả mọi chuyện tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Tôi yêu công việc của mình và đó là điều khiến tôi tin rằng mọi thứ sẽ ổn", Badie nói thêm.

Theo số liệu từ trang worldometers.info, Indonesia đã ghi nhận thêm 44.721 ca bệnh và 1.093 ca tử vong trong 24 giờ qua. Cho tới nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng trên 2,8 triệu ca bệnh với 73.582 ca tử vong.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
50.000 số điện thoại trở thành nạn nhân phần mềm theo dõi của Israel
50.000 số điện thoại trở thành nạn nhân phần mềm theo dõi của Israel

Đã có tới 50.000 số điện thoại của chính khách, nhà báo, nhà hoạt động, doanh nhân trên khắp thế giới được cho là nạn nhân của phần mềm theo dõi do một công ty Israel phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN