Công ty phóng vệ tinh Virgin Orbit xin phá sản

Ngày 4/4, công ty phóng vệ tinh Virgin Orbit của tỷ phú người Anh Richard Branson nộp đơn xin phá sản vì không thể tìm được nguồn tiền lâu dài để hồi phục sau vụ phóng không thành công vào tháng 1 vừa qua.

Chú thích ảnh
Tên lửa LauncherOne. Ảnh: Virgin Orbit

Công ty có trụ sở tại thành phố Long Beach, bang California (Mỹ), nộp đơn xin phá sản lên tòa án quận Delaware để xin bán tài sản, sau khi thông báo sa thải khoảng 85% trong tổng số 750 nhân viên từ tuần trước.

Trong một thông cáo, Giám đốc điều hành Virgin Orbit, ông Dan Hart cho biết trong giai đoạn này, công ty tin rằng thủ tục theo Chương 11 là con đường tốt nhất để tìm ra cách tối ưu hóa lợi nhuận và hiệu quả. Theo đơn xin phá sản, công ty này niêm yết tài sản trị giá khoảng 243 triệu USD và tổng nợ 153,5 triệu USD tính đến ngày 30/9 năm ngoái. 

Công ty Virgin Orbit được niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2021, huy động được mức vốn ít hơn 255 triệu USD so với dự kiến. Tách ra từ hãng du lịch vũ trụ Virgin Galactic của ông Branson năm 2017, Virgin Orbit chuyên phóng vệ tinh lên quỹ đạo.

Tập đoàn Virgin của ông Branson nắm 75% cổ phần của công ty phóng vệ tinh trong khi Quỹ đầu tư quốc gia Mubadala của Abu Dhabi là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Virgin Orbit với 17,9% cổ phần. Tập đoàn Virgin cho biết đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào công ty Virgin Orbit, trong đó có 60 triệu USD dưới dạng các khoản vay có bảo đảm kể từ tháng 11/2022. 

Đợt phóng thứ 6 của công ty Virgin Orbit diễn ra vào tháng 1 năm nay, sử dụng tên lửa LauncherOne, không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo, khiến các vệ tinh tình báo của Mỹ và Anh rơi xuống biển. Sau thất bại này, Virgin Orbit chật vật  trong việc tìm nguồn tài chính mới, nên phải dừng hoạt động và sa thải đa số nhân viên.

Tháng trước, hãng tin Reuters (Anh) đưa tin công ty đầu tư Matthew Brown đang đàm phán để đầu tư 200 triệu USD vào Virgin Orbit, nhưng quá trình đàm phán không đạt kết quả.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Thị trường Nhật Bản sẽ không chịu tác động lớn từ vụ SVB phá sản
Thị trường Nhật Bản sẽ không chịu tác động lớn từ vụ SVB phá sản

Giữa lúc các cơ quan quản lý của Mỹ chạy đua để ngăn chặn hậu quả từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), vụ phá sản này đã tạo ra bầu không khí u ám trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, cho dù cú sốc về vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được dự báo sẽ lan ra bên ngoài nước Mỹ, các chuyên gia cho rằng các yếu tố dẫn đến tình trạng này cho thấy nó khó có thể tác động lớn đến Nhật Bản hoặc Đông Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN