COVID-19 tại ASEAN hết 18/2: Toàn khối có trên 50.000 người tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 18/2, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 13.679 ca mắc COVID-19 và 302 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.312.519 ca, trong đó 50.013 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại ASEAN, Indonesia là nước có ca mắc mới cao nhất khối trong ngày 18/2. Nước này thông báo ghi nhận thêm 9.039 ca mắc COVID-19 và 181 ca tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong ở nước này lần lượt là 1.252.686 và 33.969. 

Trong khi đó, đứng thứ hai về số ca mắc ngày 18/2 là Malaysia. Malaysia có thêm 2.712 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người nhiễm lên 274.875. Tổng số người tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này là 1.030 sau khi có thêm 25 ca tử vong trong ngày 18/2. Đây là ngày có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

Philippines đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới. Nước này ghi nhận thêm 1.744 ca mắc và 96 trường hợp không qua khỏi. Như vậy, tính đến nay, Philippines có tổng cộng 555.163 ca nhiễm, trong đó 11.673 trường hợp tử vong.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Philippines, ông Rabindra Abeyasinghe, cho rằng cần thiết phải nghiên cứu kỹ kế hoạch nới lỏng các hạn chế phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh vào tháng tới. Theo ông, mặc dù số ca nhiễm mới ở nước này đã giảm, song dịch bệnh vẫn lây lan. Do đó, lực lượng chức năng cần có những đánh giá thận trọng, đặc biệt là khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức tương đối cao trong cộng đồng, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Tại Thái Lan, nhà chức trách nước này phát hiện thêm 150 ca nhiễm mới trong ngày 18/2. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này là 25.111 ca, trong đó 82 ca tử vong

Campuchia tập huấn tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Chú thích ảnh
Người dân Phnom Penh đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - P/v TTXVN tại Campuchia

Báo Khmer Times ngày 18/2 đưa tin Bộ Y tế Campuchia bắt đầu tập huấn cho bác sĩ và nhân viên y tế đến từ một số tỉnh về quy trình tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ đó có thể triển khai tiêm phòng cho những lao động có nguy cơ mắc bệnh cao ở tuyến đầu, đặc biệt với những người làm việc ở khu vực biên giới.

Người phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine cho biết 90 nhân viên y tế của một số tỉnh đã tham gia khóa tập huấn trong 2 ngày 16-17/2 tại Bệnh viện Preah Kosomak và Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em ở thủ đô Phnom Penh, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm phòng vaccine COVID-19 tại các tỉnh sát biên giới. Bộ Y tế tập trung cho các tỉnh giáp biên vì phần lớn các ca mắc COVID-19 được phát hiện ở biên giới trong số lao động Campuchia từ nước ngoài trở về. Bà Vandine cho biết Bộ Y tế Campuchia sẽ cung cấp thông tin cụ thể hơn về kế hoạch này trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm một trung tâm cách ly ở huyện Kamrieng thuộc tỉnh Battambang phía Tây Bắc Campuchia, giáp biên giới Thái Lan, vào đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng đã kêu gọi lao động Campuchia đang làm việc tại Thái Lan không đổ dồn về nước trong dịp năm mới của người Khmer vào tháng 4 tới để tránh lây lan dịch COVID-19. Ông Bun Heng cũng đề nghị giới chức các tỉnh giáp biên giới với Thái Lan tiếp tục mạnh tay với những đối tượng đưa lao động trái phép qua biên giới về Campuchia nhằm trốn cách ly. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Campuchia cũng cảnh báo về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh trên toàn cầu sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới nhập cảnh nước này.

Sau 5 ngày không có ca mắc mới COVID-19, Bộ Y tế Campuchia ngày 18/2 thông báo 4 ca nhiễm mới COVID-19 đều là người nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này từ khi bùng phát dịch đến nay lên con số 483 ca, trong đó chỉ còn 13 ca đang phải điều trị.

Philippines ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng vũ trang

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 14/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn Philippines đưa tin người đứng đầu các lực lượng vũ trang Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết 25% số quân nhân của nước này sẽ được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ông Sobejana cho biết khi các lô vaccine đầu tiên đến Philippines, số quân nhân có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động an ninh để bảo vệ các khu vực tiêm chủng sẽ được tiêm vaccine. Những nhân viên khác trong lực lương tuyến đầu sẽ là nhóm người được tiêm phòng tiếp theo.

Thái Lan chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tiểu ban phục hồi hoạt động kinh doanh thuộc Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan dự kiến đề xuất nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại 54/77 tỉnh của Thái Lan, thay vì 35 tỉnh như hiện nay.

Đề xuất nói trên sẽ được trình lên CCSA để thông qua vào ngày 22/2 tới. Đề xuất được đưa ra khi Bộ Y tế Thái Lan nhận định tình hình dịch bệnh đã cải thiện đáng kể từ ngày 10/2 và việc nới lỏng những hạn chế là hợp lý.

Theo đề xuất này, 54 tỉnh sẽ được đưa vào danh sách vùng giám sát (vùng Xanh), trong khi số lượng các tỉnh thuộc vùng giám sát chặt chẽ (vùng Vàng) sẽ giảm từ 17 xuống 14. Thủ đô Bangkok vẫn tiếp tục nằm trong vùng kiểm soát (vùng Cam) cùng với 7 tỉnh Samut Prakan, Samut Songkhram, Nonthaburi, Nakhon Pathom, Pathum Thani, Tak và Ratchaburi. Vùng kiểm soát tối đa (vùng Đỏ) sẽ chỉ còn duy nhất tỉnh Samut Sakhon, tâm điểm của đợt bùng phát kéo dài từ tháng 12/2020.

Một ổ dịch liên quan đến chợ Pornpat ở tỉnh Pathum Thani đã lan ra 10 tỉnh. Các nhà chức trách Thái Lan đang lên kế hoạch xét nghiệm cho 10.000 người/ngày tại tỉnh này nhằm kiềm chế đại dịch càng sớm càng tốt.

Cũng trong ngày 18/2, Thái Lan đã ghi nhận bác sĩ đầu tiên tử vong vì COVID-19. Bác sĩ Panya Hanphanitphan, 66 tuổi, đã tử vong tại Bệnh viện Srinagrind Hospital ở tỉnh Khon Kaen. Trường hợp tử vong này chưa được đưa vào thống kê chính thức và con số do CCSA công bố vẫn là 82 người tử vong.

Trong khi đó, trợ lý phát ngôn viên CCSA Apisamai Srirangson cho biết Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp để thực hiện 3 mục tiêu trong việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Mục tiêu thứ nhất là giảm số lượng bệnh nhân và số ca tử vong vì COVID-19. Do đó, tiêm chủng sẽ được thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính. Đối với mục tiêu thứ hai là để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia, những người được tiêm sẽ là nhân viên y tế cũng như người lao động và quan chức có nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh hoặc tiếp xúc với bệnh nhân. Đối với mục tiêu thứ ba là để bảo vệ nền kinh tế và xã hội quốc gia, những người được tiêm sẽ là người dân và người lao động trong các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Người sử dụng lao động sẽ đồng chi trả cho việc tiêm chủng đối với lao động nhập cư đang làm việc cho họ.

Ngoài ra, vaccine cũng sẽ được dự trữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ Apisamai khẳng định mọi người ở Thái Lan - gồm cả người Thái và người nước ngoài, kể cả lao động nhập cư - sẽ được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 chất lượng và an toàn.

Indonesia phạt nặng người không chịu tiêm phòng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Đây là mức phạt cao nhằm buộc người dân phải tuân thủ quy định mới là phải tiêm phòng. 

Phát biểu với báo giới, Phó Thống đốc thành phố Jakarta Ahmad Riza Patria nêu rõ: "Nếu bạn không chịu tiêm phòng, thì phải chịu 2 điều là sẽ không được nhận hỗ trợ xã hội và nộp phạt". 

Trong chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa dịch COVID-19 được khởi động hồi tháng trước, Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân ở nước này trong vòng 15 tháng. 

Hồi đầu tháng này, Indonesia đã công bố sắc lệnh của tổng thống, theo đó, bất kỳ ai không chịu tiêm phòng COVID-19 có thể không được nhận hỗ trợ xã hội hay các dịch vụ của chính phủ hoặc phải nộp phạt. Mức phạt sẽ do cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương quyết định. 

Theo cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Saiful Mujani thực hiện tháng 12/2020, chỉ có 37% trong tổng số 1.202 người được hỏi cho biết họ sẵn sàng tiêm phòng COVID-19, 40% chưa có quyết định và 17% cho biết sẽ từ chối tiêm phòng. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quân đội Nam Phi thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 của Cuba
Quân đội Nam Phi thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 của Cuba

Quân đội Nam Phi sẽ thử nghiệm lâm sàng loại thuốc điều trị COVID-19 do Cuba sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN