Cuộc chiến người - robot 'tranh giành' việc làm tại Trung Quốc

Nhiều công ty, trong đó có nhà thầu sản xuất iPhone Foxconn, đang chuyển mạnh sang sử dụng robot, đe dọa tới việc làm và thu nhập của 100 triệu công nhân ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Robot và các máy móc tự động đang thay thế mạnh mẽ sức người tại các nhà máy ở Trung Quốc.

Anh công nhân nhập cư Xia Xiaobo, 34 tuổi là một gương mặt của tầng lớp những người thất nghiệp mới: những công nhân bị máy móc thay thế.

Năm ngoái, Xiao Xiaobo nghỉ việc tại một nhà máy điện tử của Nhật Bản tại Đông Quản, Quảng Đông (Trung Quốc) do lo ngại quá trình tự động hóa tại thành phố công nghiệp này sẽ ảnh hưởng tới viễn cảnh việc làm trong tương lai. Trái với nhiều đồng nghiệp cũ chuyển tới những doanh nghiệp sản xuất nhỏ, nơi robot chưa được ứng dụng trên quy mô lớn, Xia tìm cách nâng cao kỹ năng của mình trước làn sóng tự động hóa. Anh đã chi số tiền tương đương ba tháng lương để tham gia một khóa đào tạo nghề bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, nhằm tìm kiếm một công việc mới sau khi kết thúc khóa học vào tháng 3 tới.

“Tôi đang học chương trình tự động hóa để xem mình có thể tìm được việc trong ngành sản xuất thông minh không”, Xia nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Xem video robot giúp phân loại các thùng hàng tại một công ty chuyển phát ở Trung Quốc:

Cuộc "cách mạng robot"

Khoảng 100 triệu công nhân đang làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, và theo số liệu từ Tổng cục Thống kê quốc gia, ngành này chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2018.

Trong một nỗ lực tăng cường cho ngành sản xuất, từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch quy mô nhằm thay thế dần lao động chân tay bằng robot, đặc biệt là tại các tỉnh công nghiệp như Giang Tô, Chiết Giang. Quảng Đông tất nhiên cũng nằm trong số những tỉnh áp dụng công nghệ mới trên quy mô lớn. Chỉ riêng trong năm 2018, chính quyền thành phố Đông Quản thuộc Quảng Đông đã chi tới 385 triệu nhân dân tệ (56,8 triệu USD) để thúc đẩy tự động hóa trong các nhà máy.

Một cuộc "cách mạng robot" đang diễn ra tại “công xưởng của thế giới”, và đây là lý do tại sao:

Tháng 1 năm nay, ông Xiao Yafei, thị trưởng Đông Quản cho biết thành phố đã cắt giảm 280.000 người trong lực lượng lao động sản xuất trong vòng 5 năm qua nhờ lắp đặt 91.000 robot.

“Tôi đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ quá trình tự động hóa từ 2 năm trước khi bạn tôi nói rằng chính phủ đang thay thế nhân công bằng robot. Quy mô tự động hóa chắc chắn sẽ mở rộng, vì thế  nếu không trang bị cho mình những kỹ năng mới, tôi sẽ thất nghiệp”, anh công nhân nghỉ việc Xia Xiaobo giải thích.

Anh từng làm việc 10 tiếng mỗi ca, giám sát 104 chiếc máy hoạt động ở 13 dây chuyền sản xuất, nhưng chỉ với 2 nhân viên đứng trực ở mỗi dây chuyền. Xia sợ rằng ngay cả những nhân công giám sát đó cũng sớm bị thay thế.

Chú thích ảnh
Đông Quản, nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông, nổi tiếng là thành phố nòng cốt về công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Foxconn, người khổng lồ điện tử Đài Loan, công ty sản xuất ra một nửa số lượng iPhone của thế giới, đã lên kế hoạch tự động hóa hoàn toàn khoảng 30% hoạt động sản xuất của mình vào năm 2020.
Công ty cho biết kể từ năm 2012 đến 2016 đã cắt giảm trên 400.000 lao động nhờ triển khai hàng chục nghìn robot.

Tuy nhiên, mối lo tự động hóa không phải là duy nhất trong giới công nhân sản xuất. Một công nhân tại nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến cho biết họ không có nỗi sợ hãi nào về việc ứng dụng robot trong nhà máy. “Chúng tôi làm việc (sản xuất thiết bị, linh kiện) cho Huawei, Google và các công ty khác. Chúng tôi sử dụng nhiều cánh tay tự động trong các dây chuyền sản xuất nhưng không phải robot thực sự”, một công nhân họ Liu làm việc tại cơ sở này cho biết.

Lương cơ bản của Liu là 2.650 tệ (391 USD)/tháng, một mức tương đối thấp ở Foxconn, kể cả khi anh không thể làm việc suốt ngày như một robot. Liu thường làm việc trên 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, tức là làm thêm mỗi ngày 4 tiếng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

“Không ai thích làm thêm giờ, nhưng ở đây chúng tôi thực sự tranh giành bất cứ cơ hội làm thêm giờ nào”, Liu cho hay.

Video robot "khoe tài" tại Triển lãm Robot Quốc tế thường niên tại Thượng Hải vào tháng 7/2018:

Nỗi khổ bị robot 'ăn bớt' lương

Năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ robot công nghiệp. Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) ước tính Trung Quốc sẽ lắp đặt ít nhất 800.000 robot công nghiệp vào năm 2020.

Một cuộc thăm dò có lựa chọn các công ty, do Quỹ Nghiên cứu phát triển Trung Quốc (CDRF) tiến hành hồi tháng 9 năm ngoái cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đã cắt giảm 30-40% lực lượng lao động trong khoảng thời gian từ 2015-2017 nhờ tự động hóa. Cuộc thăm dò cũng nhấn mạnh rằng một công ty sản xuất thiết bị bếp ở Hàng Châu đã giảm nhân lực từ 330 người vào năm 2014 xuống còn 193 người vào năm 2017 nhờ tự động hóa.

Ngoài ra, cuộc thăm dò trên cũng dẫn báo cáo từ chính quyền Hàng Châu cho thấy 37 công ty đã cắt giảm 800 vị trí việc làm sau khi áp dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó có 539 công nhân được điều chuyển vị trí công việc khác và 261 người rời khỏi công ty.

Chú thích ảnh
Chương trình quốc gia “Made in China 2035”, được khởi xướng từ Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, đã khuyến khích tự động hóa và sản xuất thông minh. Ảnh minh họa

Tuy vậy nhiều công nhân lại đang phát hiện ra rằng chính việc điều chuyển vị trí việc làm trong nội bộ doanh nghiệp mới thực sự đang ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Li Ming, một thợ đánh bóng khuôn ở Đông Quản, đã chọn cách nghỉ việc tại công ty sau khi nhà máy định chuyển anh sang vị trí khác vì dây chuyển sản xuất của anh đã được thay thế bởi robot.

“Tôi từ chối ở lại vì lương của tôi ở vị trí mới bị giảm một nửa. Trước đây tôi được trả 5.000 tệ mỗi tháng, giờ tôi chỉ nhận không đầy 3.000 tệ”, Li cho biết sau khi tìm được việc trong một nhà máy khác ở Thâm Quyến.

Trong khi đó, những người không thể chuyển việc hoặc tìm được một vị trí mới lại đang vật lộn để tìm được nguồn thu nhập tương đương bên ngoài ngành công nghiệp sản xuất.

“Những người đang mất việc do tự động hóa, đang tìm vận may ở ngành dịch vụ đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhưng những công nhân dịch vụ trình độ thấp này cũng chật vật để kiếm được đồng lương đủ sống”, Jenny Chan, Phó Giáo sư về xã hội học tại trường Đại học Kỹ nghệ Hong Kong nhận xét.

Chú thích ảnh
Không chỉ trong công nghiệp sản xuất, robot đã chiếm việc làm trong nhiều ngành dịch vụ. Trong ảnh là cặp robot phục vụ đồ ăn tại một nhà hàng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

“Hệ quả của tự động hóa là một lực lượng nhân công phân cực hơn. Những công nhân tay nghề cao sẽ được hưởng thu nhập cao hơn, vị trí cao hơn trong những nhà máy thông minh, trong khi lao động thủ công sẽ hứng chịu bất ổn công ăn việc làm”, ông Chan nói.

Một ngành kinh tế khác có thể cũng chịu ảnh hưởng lớn của tự động hóa là tài chính. Nghiên cứu của Tổ chức Tư vấn Boston (Mỹ) vào năm ngoái đã dự báo khoảng 2,28 triệu việc làm trong các ngành chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vào năm 2027”, đặc biệt là những người làm việc liên quan đến hoạt động máy móc và những công việc mang tính lặp đi lặp lại.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tăng cân lên hơn 110kg, Tổng thống Trump chính thức bị béo phì
Tăng cân lên hơn 110kg, Tổng thống Trump chính thức bị béo phì

Tăng thêm 2kg trong năm qua, cân nặng của Tổng thống Mỹ lúc này đã trên 110kg, chính thức vào ngưỡng béo phì, mặc dù ông vẫn được đánh giá là có “sức khỏe rất tốt về tổng thể”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN