Đặc phái viên Hàn-Mỹ thảo luận phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Ngày 17/11, đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Lee Do-hoon đã gặp người đồng cấp Mỹ Joseph Yun để thảo luận về hợp tác giữa hai bên nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon (phải) tại cuộc gặp ở Seoul ngày 20/10. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp, diễn ra trên đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc, ông Yun cho rằng 2 bên có nhiều việc phải làm để thống nhất cách giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, góp phần giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
      
Về phần mình, ông Lee bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc họp “ý nghĩa”.
      
Giới chức 2 nước cho biết tại cuộc gặp này, 2 đặc phái viên dự kiến trao đổi quan điểm về những diễn biến an ninh mới nhất xung quanh Bán đảo Triều Tiên cũng như cách tiếp cận chung đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đặc biệt, ông Yun sẽ chia sẻ chính sách của Washington đối với Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du kéo dài 12 ngày tới châu Á, trong đó có các chặng dừng chân ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
       
Trước đó, ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh "có thể có cơ hội đàm phán" giữa Mỹ và Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng ngừng thử và phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân.
       
Mỹ nhiều lần tuyên bố có thể tính đến mọi phương án đối phó với Triều Tiên, bao gồm cả biện pháp quân sự, song cũng nhấn mạnh ưu tiên giải pháp ngoại giao.    
       
Cùng ngày, Trung Quốc đã khẳng định lại lập trường của Bắc Kinh cho rằng giải pháp hợp lý nhất hiện nay để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là "cùng ngừng", theo đó Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung, đổi lại Bình Nhưỡng ngừng các hành động khiêu khích liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa.
       
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh sáng kiến "cùng ngừng" vẫn chỉ là "bước đi đầu tiên" cần thiết giúp giảm căng thẳng và giải quyết các mối quan ngại an ninh cấp thiết của các bên, qua đó tạo dựng một môi trường cho các cuộc đàm phán. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình và hiện thực hóa sự ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
      
Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ đề xuất trên, cho rằng Bình Nhưỡng cần đơn phương ngừng chương trình hạt nhân trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Katina Adams, Washington đã nhiều lần nêu rõ lập trường về vấn đề này, theo đó, hoàn toàn không có sự tương đương giữa các cuộc tập trận hợp pháp, lâu dài và hướng tới phòng vệ giữa Mỹ và Hàn Quốc với các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
      
Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 16/11 cho biết đầu tuần tới Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thông báo quyết định có đưa Triều Tiên vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố hay không.
      
Theo giới phân tích, động thái trên chủ yếu mang tính tượng trưng, theo đó tăng gấp đôi các biện pháp trừng phạt hiện nay cũng như hạn chế cứu trợ và xuất khẩu đối với Triều Tiên, tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao.
       
Năm 2008, chính quyền Mỹ dưới thời của Tổng thống khi đó là George W.Bush đã xóa tên Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố nhằm khuyến khích Bình Nhưỡng hủy bỏ một phần chương trình hạt nhân của nước này.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ nhấn mạnh điều kiện đàm phán với Triều Tiên
Mỹ nhấn mạnh điều kiện đàm phán với Triều Tiên

Ngày 16/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng có thể có cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng ngừng việc thử và ngừng phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN