Đánh bom đẫm máu Sri Lanka gợi nhớ bóng ma bạo lực quá khứ sau thập kỷ hoà bình

Đánh bom khủng bố đẫm máu nhằm vào các khách sạn hạng sang và nhà thờ ở Sri Lanka, khiến 260 người thiệt mạng và 450 người khác bị thương vào ngày 21/4, được cho là một trong những hành động bạo lực đẫm máu nhất tại quốc gia Nam Á này suốt hơn 10 năm.

Chú thích ảnh
Hiện trường tan hoang sau loạt vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka. Ảnh: CNN

Ngày 21/4, chuyên gia phân tích chính trị và địa chiến lược Javed Rana nhận định, mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận nhưng rõ ràng giới chức Sri Lanka hoàn toàn không được chuẩn bị cho một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu.

Một bức thư cảnh báo về cuộc tấn công khủng bố lớn gửi tới lực lượng an ninh 10 ngày trước khi xảy ra sự việc đau lòng hôm Chủ nhật vừa được công khai, khiến dư luận phải đặt câu hỏi rằng lực lượng hành pháp phải chăng đã thất bại trong việc ngăn chặn mối đe dọa.

Ngày 11/4, tình báo Sri Lanka ban bố báo động toàn quốc về các cuộc tấn công đánh bom tự sát của tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên gọi National Thowheed Jamath nhằm vào các nhà thờ Công giáo và Ủy ban Tối cao Ấn Độ tại Colombo.

“Một số sĩ quan tình báo đã nhận thức được mối đe dọa này. Đã xảy ra chậm trễ trong hành động”, thành viên nội các kiêm Bộ trưởng Viễn thông, Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Việc làm và Thể thao, Harin Fernando nói về bức thư cảnh báo đăng trên trang mạng Twitter.

Chú thích ảnh
Nhân viên điều tra thu thập chứng cứ tại hiện trường đánh bom. Ảnh: CNN
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Hiện trường đánh bom khách sạn. Ảnh: CNN
Chú thích ảnh
Người dân không giấu nổi nỗi đau khi chứng kiến các vụ tấn công đồng loạt diễn ra. Ảnh: CNN
Chú thích ảnh
Một người đàn ông cầm ảnh thẻ tìm thấy trong đống đổ nát, hy vọng tìm thấy người thân của nạn nhân trong ảnh. Ảnh: CNN

Trả lời phỏng vấn kênh RT, chuyên gia Javed Rana cho rằng giới chức Sri Lanka hoàn toàn "mất cảnh giác" trước loạt vụ đánh bom được lên kế hoạch kỹ càng ngày 21/4, bởi "đây là những điều họ không nghĩ sẽ xảy ra sau năm 2009, khi cuộc chiến dai dẳng của lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) chấm dứt". Theo ông Rana, Chính phủ Sri Lanka yên tâm rằng chủ nghĩa khủng bố đã không còn ở quốc gia này.

Bà Smruti Pattanaik – một nhà phân tích an ninh và chính sách Nam Á – cũng cho rằng vụ đánh bom đẫm máu hôm Chủ nhật là kết quả của “thất bại tình báo”.

“Lực lượng vũ trang Sri Lanka có một hệ thống thu thập thông tin tình báo hiệu quả. Mặc dù họ tập trung vào việc thu tin tình báo đối với làn sóng cực đoan Tamil, nhưng họ lại bỏ qua các nguồn khủng bố khác. Sự thật là những cuộc tấn công thành công nhắm vào các khách sạn 5 sao được đặt giữa thủ đô Sri Lanka, nơi được cho là được bảo vệ nghiêm ngặt, cho thấy an ninh tại những khu vực này có thể xuyên thủng được”, chuyên gia Pattanaik nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng hình thức của vụ tấn công cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể là thủ phạm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng LTTE đã gây ra vụ tấn công này. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng lên nhận tiến hành loạt vụ đánh bom.

Tội ác của Tamil

Chú thích ảnh
Vụ đánh bom xe buýt Habarana. Ảnh: RT

Từ năm 2009, quốc gia với trên 20 triệu dân sống một cuộc sống tương đối hòa bình êm ả. Song trước thời điểm đó, Sri Lanka bị mắc kẹt trong một cuộc nội chiến kéo dài 25 năm, khi lực lượng dân tộc thiểu số Tamil vùng lên nổi dậy. Tổ chức này đã gây ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu khiến hàng trăm binh sĩ và dân thường Sri Lanka ngã xuống.

Vụ đánh bom Habarana vào tháng 10/2006 được cho là vụ tấn công đẫm máu nhất mà LTTE gây ra trong những năm 2000, với số người chết vượt quá 100 người. Vào thời điểm đó, nhóm khủng bố cực đoan này nhắm vào một đoàn xe buýt đang chở thủy thủ. Một chiếc xe tải chở đầy thuốc nổ tiến đến gần, phát nổ khiến gần 300 người thương vong.

Một vụ tấn công khác, nhằm vào dân thường là vụ nổ trạm xa buýt tại Colombo năm 1987. Quả bom nặng 40 kg đặt trong một xe ô tô được kích nổ ngay giờ cao điểm, khiến 113 người thiệt mạng và làm gần 300 người khác bị thương.

Không chỉ có sử dụng thiết bị nổ để gieo rắc nỗi kinh hoàng, LTTE còn là thủ phạm gây ra một loạt vụ thảm sát tại những khu vực sát với những nơi chúng kiểm soát. Vụ thảm sát đẫm máu nhất mà chúng từng gây ra là ở ngôi làng Palliyagodella vào tháng 10/1992, với 285 người thiệt mạng.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Mỹ tăng cường an ninh tại New York sau loạt vụ nổ ở Sri Lanka
Mỹ tăng cường an ninh tại New York sau loạt vụ nổ ở Sri Lanka

Cảnh sát thành phố New York của Mỹ đã tiến hành các biện pháp an ninh nghiêm ngặt sau khi xảy ra loạt vụ tấn công ở Sri Lanka khiến trên 200 người thiệt mạng, trong đó có một số công dân Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN