EU kêu gọi nông dân chia sẻ trải nghiệm về các giao dịch không công bằng

Ngày 27/2, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi nông dân và các nhà cung cấp thực phẩm nhỏ chia sẻ các trải nghiệm của họ về các hoạt động giao dịch không công bằng, trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Âu đang than phiền về việc họ bị người mua lừa gạt hoặc đối xử tệ bạc và các vấn đề khác.

Chú thích ảnh
Nông dân Ba Lan phong tỏa tuyến đường gần biên giới với Đức tại Swiecko, ngày 25/2/2024. Ảnh: PAP/TTXVN

Nhiều nông dân cho biết họ phải đối mặt với một loạt vấn đề với người mua, đặc biệt là các siêu thị lớn, như thanh toán chậm, hủy đơn hàng vào phút cuối và những thay đổi đơn phương hoặc có hiệu lực hồi tố trong hợp đồng. 

Tuyên bố của EU nêu rõ: “Bằng cách tham gia cuộc khảo sát trên, nông dân và các nhà cung cấp nhỏ lẻ có thể bày tỏ mối quan ngại của họ và chia sẻ các trải nghiệm của mình về các hoạt động thương mại không công bằng”. 

EU cho biết tháng 3 tới sẽ đưa ra một số hành động đối với các quốc gia thành viên về các vấn đề như minh bạch thị trường, cũng như thực hiện chỉ thị chống lại các hành vi giao dịch không công bằng.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, hàng nghìn nông dân Ba Lan đã xuống đường ở thủ đô Vacsava nhằm phản đối việc nhập khẩu thực phẩm từ Ukraine và “Thỏa thuận xanh” của EU - gói chính sách giúp khối đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng bị những người nông dân cho là đe dọa đến sinh kế của họ. Người biểu tình đã tuần hành tới trụ sở Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng.

Cuộc biểu tình của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Âu cũng biểu tình trong nhiều tuần chống lại những hạn chế do các quy định 'Thỏa thuận xanh' của EU đặt ra nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như chi phí gia tăng và điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ bên ngoài EU, đặc biệt là Ukraine.

Nông dân Ba Lan đã bắt đầu một loạt cuộc biểu tình trên khắp đất nước vào đầu tháng này, bao gồm việc phong tỏa gần như toàn bộ tất cả các cửa khẩu biên giới với Ukraine, cũng như sự gián đoạn tại các cảng và đường sá trên toàn quốc.

Phát biểu tại CH Séc về việc này, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng EU phải giải quyết các vấn đề nảy sinh do quyết định mở cửa biên giới cho việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm của Ukraine. Ông cũng tái khẳng định rằng Séc và Ba Lan ủng hộ Ukraine, song nhấn mạnh “chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc tại Brussels để có những sửa đổi chính sách nhằm bảo vệ thị trường của chúng tôi trước những tác động tiêu cực của quyết định này".

Bích Liên (TTXVN)
Nông dân tiếp tục lái máy kéo phong tỏa một phần thủ đô Brussels (Bỉ)
Nông dân tiếp tục lái máy kéo phong tỏa một phần thủ đô Brussels (Bỉ)

Ngày 26/2, các nông dân ở nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã lái máy kéo, phong tỏa một phần thủ đô Brussels của Bỉ nhằm yêu cầu giới chức EU hành động trước một loạt vấn đề, từ giá siêu thị rẻ đến các thỏa thuận thương mại tự do. Cuộc biểu tình diễn ra trong các bộ trưởng nông nghiệp EU nhóm họp để thảo luận cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN