IAEA: Cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên 'vẫn đang hoạt động'

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 6/3, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano thông báo Triều Tiên tiếp tục sử dụng một cơ sở làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân chính của nước này ở Yongbyon, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 100 km về phía Bắc. Ảnh tư liệu: EPA/TTXVN

Ông Amano cũng cho biết trong báo cáo hàng quý của IAEA rằng Triều Tiên tiếp tục xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm ở Yongbyon. 

Một lò phản ứng 5 megawatt (MW) ở Yongbyon sản xuất plutoni đã bị dừng hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, song quan chức này cho biết IAEA đã không thể xác nhận mục đích việc sử dụng phương tiện làm giàu urani của Triều Tiên. 

Các chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể sản xuất từ 2 đến 3 vũ khí hạt nhân mỗi năm ngay cả khi không có tổ hợp Yongbyon.

Cũng liên quan đến chương trình vũ khí Triều Tiên, ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo các phái viên hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhóm họp tại Washington nhằm thảo luận các bước đi tiếp theo sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Việt Nam không đạt thỏa thuận.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã chủ trì các phiên họp song phương và đa phương với những người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon. Các nước đồng minh này cũng nhấn mạnh rằng họ đã hợp tác chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao khác nhau, nhất trí sẽ duy trì các cuộc các cuộc "tham vấn và thông tin liên lạc".  

Trong khi đó thư điện tử của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Họ đã thảo luận về các nỗ lực tiếp tục, hợp tác cho đến khi đạt được phi hạt nhân hóa cuối cùng và có thể kiểm chứng đầy đủ đối với Triều Tiên".

Trước đó, ngày 5/3, hãng thông tấn Yonhap đưa tin Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã phát hiện những dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể sửa chữa lại một phần bãi phóng tên lửa Dongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tháng 6 năm ngoái. Thông tin này được NIS công bố trong cuộc họp với Ủy ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc diễn ra cùng ngày. 

Theo NIS, có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên dường như đang lắp đặt lại một mái vòm và một cửa tại cơ sở trên. Cũng tại cuộc họp NIS cho biết Triều Tiên đã dừng hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW trong tổ hợp hạt nhân chính ở Yongbyon từ cuối năm ngoái vì không có dấu hiệu của các hoạt động tái chế tại đó.

NIS nêu rõ các đường hầm ngầm tại bãi thử hạt nhân của Triều Tiên ở Punggye-ri vẫn đóng và bị bỏ không kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành phá hủy các đường hầm này hồi tháng 5/2018.

Cũng theo cơ quan trên, giới chức quân sự Hàn Quốc và Mỹ đã vận hành một hệ thống giám sát "toàn diện" nhằm theo dõi các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có các địa điểm làm giàu urani vốn được đưa vào thảo luận tại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Mạnh Hùng - Phương Hoa (TTXVN)
IAEA: Lò phản ứng hạt nhân quan trọng của Triều Tiên đã ngừng hoạt động nhiều tháng
IAEA: Lò phản ứng hạt nhân quan trọng của Triều Tiên đã ngừng hoạt động nhiều tháng

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 4/3 cho biết lò phản ứng hạt nhân được cho là cung cấp nguồn plutoni để sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên dường như đã ngừng hoạt động trong 3 tháng qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN