Iran cảnh báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ tái áp đặt trừng phạt

Ngày 7/4, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi tuyên bố Tehran chắc chắn sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung - JCPOA) nếu Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Quốc hội Iran Alaeddin Boroujerdi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh truyền hình Press TV, ông Boroujerdi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất của JCPOA là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Nếu Mỹ áp đặt lại các lệnh trừng phạt này, chắc chắn Iran sẽ rút khỏi JCPOA.

Trước đó, hôm 5/4 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley tuyên bố Washington nhiều khả năng sẽ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran với cáo buộc Tehran ủng hộ khủng bố và vi phạm các quy định trong JCPOA.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố phản đối thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7/2015, dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận kể trên. Tới tháng 1 vừa qua, ông Trump tuyên bố JCPOA phải được "sửa chữa" trước ngày 12/5 nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Iran tuyên bố sẽ không thực thi bất kỳ yêu cầu nào ngoại trừ các cam kết trong JCPOA và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay hay trong tương lai. Iran cũng đe dọa sẽ rút khỏi văn kiện này nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã thỏa thuận.

TTXVN/Báo Tin tức
Mục đích sâu xa Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy điện hạt nhân, cấp tên lửa S-400
Mục đích sâu xa Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy điện hạt nhân, cấp tên lửa S-400

Hợp tác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vượt qua phạm vi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và nâng lên mức độ cao hơn là năng lượng hạt nhân. Nhờ đó, quan hệ hợp tác trở nên bền vững và ổn định hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN