Không cần triển khai THAAD nếu Triều Tiên giải giáp hạt nhân

Ngày 14/6, người được đề cử giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cựu Đô đốc Harry Harris cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc sẽ không cần thiết nếu Triều Tiên đạt đến giai đoạn phi hạt nhân hóa và giải trừ quân bị hoàn toàn.

Đô đốc Harry Harris. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Harris đưa ra phát biểu trên trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Khi được hỏi liệu có còn cần thiết đặt THAAD tại Hàn Quốc hay không nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa và hủy bỏ chương trình tên lửa đạn đạo của nước này .

Ông Harris - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) được Tổng thống Donald Trump lựa chọn giữ vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc nhiệm kỳ tới - nêu rõ THAAD được triển khai tại Hàn Quốc là một hệ thống chiến thuật được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, và việc triển khai THAAD không phải để đối phó với bất cứ mối đe dọa nào từ Trung Quốc, Nga hay bất kỳ nơi nào khác.

Tuy nhiên, ông Harris cho rằng Mỹ vẫn phải tiếp tục cảnh giác về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

THAAD được triển khai tại Hàn Quốc sau khi Seoul và Washington ký thỏa thuận vào năm 2016. Hai nước đã thúc đẩy hợp tác quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, căng thẳng đã dịu đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore hôm 12/6 vừa qua. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc ở khu vực gần Bán đảo Triều Tiên trong khi Mỹ và Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình.

Cùng ngày 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Trung Quốc cho biết Mỹ và Trung Quốc nhất trí rằng các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Ông Pompeo đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định hai bên đã làm rõ rằng Triều Tiên sẽ chỉ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nhận được viện trợ kinh tế sau khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị chưa nêu rõ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này mà chỉ cho biết phía Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tham vấn cụ thể và chi tiết hơn.

Giới phân tích nhận định những phát biểu của hai quan chức ngoại giao trên thể hiện Washington và Bắc Kinh vẫn còn bất đồng về thời gian và cách thức nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Ông Pompeo đang ở thăm Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du khu vực nhằm thông báo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vừa diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

TTXVN/Báo Tin tức
Nhiều nước lạc quan về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Nhiều nước lạc quan về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Ngày 12/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chúc mừng Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kết thúc thành công cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử được cả thế giới mong đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN