Kỳ vọng đột phá quan hệ ba bên về các vấn đề Đông Á tại Trại David

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản kỳ vọng đạt được kết quả đột phá tại cuộc gặp gỡ lịch sử.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21/5. Ảnh: AP

Theo Korea Times, Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ lần đầu tiên diễn ra vào cuối tuần này tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ ở Maryland. Cuộc gặp được nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia tin rằng có thể dẫn đến một bước đột phá trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn ở Đông Á .

Trước đây, Trại David thường đóng vai trò là địa điểm cho các sự kiện ngoại giao quan trọng trong những thời khắc quan trọng của lịch sử.

Ngày 17/8, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ khởi hành đến Trại David để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên dự kiến diễn ra một ngày sau đó. Trong lịch sử, ba nước đã tổ chức các cuộc gặp ba bên 12 lần. Chỉ tính riêng cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, con số đã lên đến 3. Tuy nhiên, các cuộc gặp đó đều diễn ra bên lề các sự kiện ngoại giao đa phương. Đây sẽ là lần đầu tiên cuộc họp ba bên trở thành một sự kiện độc lập.

“Tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Trại David hoàn toàn khác với tổ chức ở Washington, D.C. Cảm giác nó sẽ gần gũi hơn và các nhà lãnh đạo sẽ có thể thảo luận trong khi đi dạo, ăn tối và tham gia các hoạt động khác trong bầu không khí thoải mái. Nhiều vấn đề khác nhau sẽ được thảo luận trong khi các nhà lãnh đạo cảm thấy ít áp lực chính trị hơn”, một quan chức cấp cao tại văn phòng tổng thống cho biết.

Phó Giám đốc thứ nhất An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cũng cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là chuyến thăm đầu tiên của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Trại David dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Điều này cho thấy "tầm quan trọng mà Tổng thống Biden đang đặt lên sự hợp tác của ba nước".

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng đến Trại David dự hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush vào năm 2008. Ảnh: Korea Times

Hội nghị thượng đỉnh Trại David được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt như một nền tảng ngoại giao, bởi vì nơi đây tạo ra một môi trường thoải mái để các nguyên thủ quốc gia tham gia vào các cuộc trò chuyện thẳng thắn và sâu sắc về một vấn đề cụ thể.

Trong các cuộc gặp ba bên trước đó giữa các vị nguyên thủ, như cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5, các nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhưng không thể có những cuộc trò chuyện dài về các vấn đề đang chờ xử lý do hạn chế về thời gian. Vào thời điểm đó, Tổng thống Biden đã mời người đồng cấp Yoon và Kishida đến Washington để đàm phán sâu hơn.

Hội nghị thượng đỉnh Trại David cũng được kỳ vọng là cơ hội để thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ bền chặt hơn giữa ba quốc gia, bởi vì nơi nghỉ ngơi này của tổng thống là nơi diễn ra các cuộc đàm phán cấp cao vào những thời điểm quan trọng của lịch sử.

Trại David được xây dựng như một nơi nghỉ dưỡng của tổng thống vào năm 1942, dưới thời Tổng thống Franklin Roosevelt với tên gọi "Shangri-La”. Sau này, khu nghỉ dưỡng được cựu Tổng thống Dwight Eisenhower đổi tên thành Trại David để vinh danh cháu trai của ông, David Eisenhower.
Năm 1943, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã đến thăm khu nghỉ dưỡng này với tư cách là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và thảo luận về cách kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II. Sự kiện mang tính bước ngoặt này đã tạo tiền lệ cho vai trò của khu nghỉ ngơi trong việc tổ chức các cuộc họp ngoại giao quan trọng.

Chú thích ảnh
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton gặp nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại Trại David trong bức ảnh ngày 16/7/2000. Ảnh: AP

Năm 1959, Tổng thống Eisenhower đã gặp nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev tại Trại David để tổ chức hai ngày đàm phán về Chiến tranh Lạnh.

Một sự kiện nổi bật khác trong lịch sử được tổ chức tại khu trại này là Hiệp định Trại David năm 1978, do Tổng thống Jimmy Carter làm trung gian và có sự tham gia của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin. Sau 13 ngày đàm phán, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Israel đã nhất trí về các vấn đề bao gồm việc trao trả Bán đảo Sinai cho Ai Cập và thiết lập quyền tự trị của người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Năm 2000, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tiếp đón Thủ tướng Israel khi đó là Ehud Barak và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat nhằm tìm kiếm một hiệp định chấm dứt xung đột, nhưng không đạt được thỏa thuận.

Trong số các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, cựu Tổng thống Lee Myung-bak từng đến Trại David dự hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush vào năm 2008 để thảo luận về các cách tăng cường liên minh song phương và hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Korea Times)
Trung Quốc đề xuất đối thoại với Nhật-Hàn, hướng tới hội nghị thượng đỉnh ba bên
Trung Quốc đề xuất đối thoại với Nhật-Hàn, hướng tới hội nghị thượng đỉnh ba bên

Đề xuất này được coi là tín hiệu cho thấy ba nước sẵn sàng nối lại đàm phán và Nhật Bản sẽ đẩy nhanh công tác chuẩn bị để thực hiện điều đó vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN