Liên hợp quốc kêu gọi thế giới khẩn trương khắc phục ô nhiễm hóa chất

Thế giới cần khẩn trương hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm hóa chất toàn cầu trong bối cảnh các nước chưa đạt mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đề ra là đến năm 2020 giảm thiểu tác hại của hóa chất và rác thải.

Nội dung này được đề cập trong Báo cáo lần 2 về Hóa chất toàn cầu do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 11/3.

Theo báo cáo trên, năng lực sản xuất hóa chất toàn cầu hiện ở mức 2,3 tỷ tấn với giá trị khoảng 5.000 tỷ USD. Báo cáo chỉ rõ những hóa chất nguy hiểm tiếp tục xả ra môi trường với lượng lớn và tồn tại trong đất, nước, không khí, cũng như thực phẩm và cơ thể con người bất chấp các nước cam kết tăng cường lợi ích và giảm tác hại của ngành sản xuất này.

Chú thích ảnh
Rác thải trôi dạt trên một con sông nhỏ ở Manila, Philippines, ngày 12/5/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Khảo sát cho thấy một số công cụ và thỏa thuận quốc tế đã giúp giảm được những rủi ro do một số hóa chất và rác thải gây ra, song tiến bộ đạt được không đồng đều. Chẳng hạn, tính đến năm 2018, hơn 120 nước trên thế giới chưa triển khai Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất.

Báo cáo khuyến nghị các nước trên thế giới phải cùng nhau hành động nhiều hơn nữa, đồng thời tận dụng những giải pháp sẵn có. Tài liệu này được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với những nước đang phát triển khi chỉ ra những cơ hội tăng cường chia sẻ tri thức, phát triển năng lực và tài trợ cho lĩnh vực cải tiến.

Báo cáo trên được công bố trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của UNEP khai mạc cùng ngày 11/3 tại thủ đô Nairobi của Kenya. Với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các xã hội dân sự, hội nghị được tổ chức  nhằm thảo luận biện pháp nhằm giảm tình trạng ô nhiễm và xây dựng nền kinh tế toàn cầu "xanh hơn".

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Trung Quốc đóng cửa hàng nghìn nhà máy gây ô nhiễm sông Dương Tử
Trung Quốc đóng cửa hàng nghìn nhà máy gây ô nhiễm sông Dương Tử

Nhằm bảo vệ sông Dương Tử dài nhất Trung Quốc, từ năm 2016 đên nay, giới chức chính quyền tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này, đã đóng cửa khoảng 3.000 nhà máy gây ô nhiễm nặng trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN