Liên minh Nhật -Ấn-Hàn khiến Trung Quốc lo sợ?

Theo tờ tạp chí quốc phòng của Ấn Độ ngày 14/1, việc New Dehli sẽ là chủ nhà của cuộc gặp 3 bên Ấn – Nhật -  Hàn trong tháng này khiến Bắc Kinh lo ngại.

Sự lo lắng trên của Trung Quốc được thể hiện qua hai bài bình luận của Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Wei Wei, đăng trên tờ Hindu -  nói về việc cần tăng cường mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Dehli - và tờ Indian Express nói về những hành động gần đây của Tokyo nhằm tìm cách thay đổi trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Ảnh: AFP


Trong bài viết trên tờ Hindu, ông Wei Wei nhấn mạnh mối quan hệ Trung - Ấn ngày càng phát triển, thể hiện trong một loạt các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo các cấp vì lợi ích chung của hai nước. Đặc biệt, lãnh đạo cấp cao hai bên đã tuyên bố năm 2014 là “Năm hữu nghị” giữa hai nước.

Ngược lại, ông Wei Wei nhận định trên tờ Indian Express rằng Nhật Bản đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới nhằm trở thành “một cường quốc quân sự” và đang đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ phải có trách nhiệm trong việc chống lại “chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản như thời chiến tranh Thế giới thứ 2”.

Các chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng, những động thái trên đã phản ánh sự lo lắng của Bắc Kinh khi New Dehli đang bị Nhật Bản và Hàn Quốc “quyến rũ”.

“Nhật Bản và Hàn Quốc đang coi New Dehli là một đối tác lớn trong khu vực và Trung Quốc đã theo dõi sát sao chuyến thăm Tokyo của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh mới đây”, một chuyên gia Ấn Độ nói.

Theo giáo sư Srikanth Kondapalli tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ cần 1.000 tỷ USD để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Nhật Bản đã hứa sẽ đầu tư 92 tỷ USD vào lĩnh vực này của Ấn Độ. Hiện có khoảng 900 công ty Nhật đang hoạt động tại Ấn Độ và với Hàn Quốc cũng vậy. “Trung Quốc cũng đang tìm cách làm giảm ảnh hưởng của các quốc gia khác nhằm thực hiện thành công những mục tiêu của mình”, ông Kondapalli nói.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan ngại của mình về những động thái gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là việc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông chồng lấn với cả ADIZ của hai nước này. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã có vấn đề về tranh chấp biên giới trên bộ vốn kéo dài nhiều năm qua.

Mặc dù mới đây Bắc Kinh và New Dehli đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng biên giới trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, nhưng binh lính Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xâm nhập vào khu vực Chumar, Ladakh, bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ gần đây cũng đã cảnh báo rằng cơ chế về biên giới mới trên không thể bảo đảm rằng sẽ không có sự “đụng độ” tại khu vực này trong tương lai.


CT
(Theo I.D)

Ấn Độ chế tạo tên lửa đối chọi Đông Phong của Trung Quốc
Ấn Độ chế tạo tên lửa đối chọi Đông Phong của Trung Quốc

Ấn Độ có thể chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 10.000km, đối chọi với tên lửa Đông Phong 31A (DF-31A) của Trung Quốc có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 11.200km, tờ Quốc phòng Ấn Độ ngày 13/1 cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN