Mỹ chưa có giải pháp cho nạn lạm dụng thuốc kháng sinh

Bất chấp các chiến dịch tuyên truyền trong cộng đồng và giới y khoa về tác hại của việc lạm dụng thuốc kháng sinh tại Mỹ, tỷ lệ kê đơn sử dụng loại thuốc này trong điều trị ngoại trú vẫn không có dấu hiệu giảm trong những năm gần đây. Đây là kết luận một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc trường Y khoa, Đại học Washington, Mỹ, công bố ngày 8/3.

Từ các dữ liệu của công ty Express Scripts Holding, đơn vị quản lý đơn thuốc dành cho người lao động, các nhà nghiên cứu cho biết trong giai đoạn 2013 - 2015, các bác sĩ tại những cơ sở y tế của Mỹ đã kê tới 98 triệu đơn có thuốc kháng sinh cho 39 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú.

Những thống kê này còn ghi lại tỷ lệ đơn kê các loại thuốc kháng sinh, trong đó có 5 loại được sử dụng thường xuyên trong điều trị ngoại trú gồm azithromycin, amoxicillin, amoxicillin/clavulanate, ciprofloxacin, and cephalexin.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, mỗi năm, trung bình cứ 1.000 lượt bệnh nhân thì có tới 826 lượt người được kê sử dụng kháng sinh. Tỷ lệ đơn kê thuốc kháng sinh tăng nhẹ trong năm 2015 sau khi đã giảm chút ít vào năm trước đó. Bên cạnh đó, cũng có sự chênh lệch về số đơn kê kháng sinh giữa các mùa, theo đó, vào mùa Đông, mỗi tháng có tới 8.000 đến 9.000 đơn kê loại thuốc này được phát ra, trong khi con số này vào mùa Hè là 6.000 đơn.

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có tới 30% số đơn kháng sinh kê cho bệnh nhân ngoại trú là không cần thiết. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cho biết nước Mỹ tiêu tốn khoảng 9 tỷ USD mỗi năm trong việc mua thuốc kháng sinh. Theo tính toán của CDC, chi phí cho các đơn thuốc kháng sinh không cần thiết lên tới 3 tỷ USD.  Trung bình mỗi bệnh nhân điều trị ngoại trú phải bỏ ra khoảng 23 USD mỗi năm để mua thuốc kháng sinh theo đơn.


Ông Michael Durkin, thành viên của nhóm tác giả nghiên cứu trên, bày tỏ quan ngại về việc các trung tâm khám chữa bệnh không nghiêm chỉnh thực hiện những chỉ dẫn về việc kê thuốc kháng sinh. Ông nhấn mạnh tình trạng lạm dụng này sẽ không chỉ gây lãng phí mà còn góp phần gia tăng các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh.

TTXVN/Báo Tin tức
Bộ Y tế truy nguồn gốc thuốc kháng sinh Lincomycin giả
Bộ Y tế truy nguồn gốc thuốc kháng sinh Lincomycin giả

Bộ Y tế yêu cầu rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh và truy tìm nguồn gốc thuốc Lincomycin 500mg giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN